Quản trị công ty gia đình: Bài học thành công từ các doanh nghiệp lớn

Thứ hai - 12/10/2020 05:51
Có rất nhiều công ty gia đình thành công và lọt vào bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng thu nhập mỗi công ty. Tuy nhiên, thực tế thì, đại đa số (95%) các công ty gia đình đều suy giảm mạnh sau thế hệ thứ ba.
Quản trị công ty gia đình: Bài học thành công từ các doanh nghiệp lớn
Vậy câu hỏi đặt ra là bí quyết thành công của 5% doanh nghiệp còn lại là gì? Câu trả lời đơn giản là nằm ở việc xây dựng được một “hệ thống quản trị công ty tốt”. Công ty gia đình là công ty trong đó các thành viên trong một gia đình nắm mức sở hữu đủ để quyết định cơ cấu thành viên hội đồng quản trị.

Thông thường, ở công ty gia đình, đại diện của gia đình sẽ nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc và Tổng giám đốc. Các thành viên của gia đình vừa là cổ đông, vừa là người quản lý, điều hành công ty.
Ở những quốc gia đang phát triển, nhiều công ty thành công cũng có nguồn gốc từ các doanh nghiệp gia đình ở Bắc Mỹ và châu Âu; các “chaebol” (được biết đến là tài phiệt- hay các tập đoàn lớn ) ở Hàn Quốc và “grupo” ở châu Mỹ La Tinh.
 
Ưu điểm về mặt quản trị của các công ty gia đình
 
Các công ty gia đình đều có những lợi thế hơn hẳn cả về mặt tổ chức, chiến lược hay ra quyết định so với các doanh nghiệp tư nhân hay quốc doanh khác.
 
Vì quyền sở hữu nằm trong tay một hoặc một vài thành viên trong gia đình, nên công ty gia đình có xu hướng "cá nhân hoá", thống nhất quyền lực vào tay người chủ gia đình. Quyền lực này cho phép công ty gia đình có thể thực thi một tầm nhìn dài hạn, tập trung đầu tư tạo ra những ưu thế cạnh tranh dài hạn mà những công ty chỉ chạy theo kết quả ngắn hạn trên thị trường chứng khoán không thể đạt được.
 
Giám sát, kiểm soát nội bộ không chỉ thông qua cơ chế "quyền sở hữu", mà còn thông qua hàng loạt các quy tắc xã hội khác, nhất là huyết thống, truyền thống, quan niệm về trật tự gia đình, dòng họ... Quản trị công ty gia đình tạo thuận lợi cho việc ra quyết định, làm giảm chi phí quản lý, tập trung vào phối hợp giữa các bộ phận trong hệ thống.
 
Các công ty gia đình có thể xây dựng một chiến lược phát triển độc đáo, không theo cách tư duy tầm thường; nhanh chóng vượt qua những đối kháng của quản trị công ty thông thường do không phải bận tâm đến việc thiết lập các ranh giới và phân chia quyền ra quyết định.
 
Các công ty gia đình thường có xu hướng tiết kiệm và cẩn trọng trong chi tiêu. Vì sự thống nhất giữa quyền sở hữu và quyền quản lý sẽ làm cho các công ty gia đình này cực kỳ kỹ lưỡng trong việc chi bao nhiêu, chi vào việc gì và chi như thế nào.
 
Tóm lại, điểm mạnh của công ty gia đình là quan hệ “hợp tác” giữa các thành viên chủ chốt. Tuy nhiên, khi quyền sở hữu công ty gia đình được truyền lại qua các thế hệ sau, những người thừa kế phải chia sẻ quyền sở hữu công ty trên tinh thần quan hệ “đối tác”. Họ phải cùng nhau quyết định cách thức quản trị và điều hành công ty như tài sản chung. Và đó là lúc các vấn đề quản trị công ty nảy sinh. Đại đa số các công ty gia đình đều gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề quản trị này.
 
Công ty gia đình – Khó có thể phát triển vượt qua thế hệ thứ 3?
 
Tuy nhiên những công ty gia đình phải đối mặt với một thực tế, đó là số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ thành công dài hạn của các công ty gia đình là rất thấp (dưới 5%). Theo điều tra chỉ có 5% các doanh nghiệp gia đình quy mô lớn tiếp tục phát triển tốt sau thế hệ thứ ba.
 
Hầu hết các công ty gia đình bắt đầu với một người đặt nền móng - sáng lập kiêm luôn việc quản trị, là chủ sở hữu toàn quyền và là người điều hành doanh nghiệp. Sáng lập viên của công ty gia đình thường giữ toàn quyền ra quyết định mọi vấn đề của công ty.
 
Và sau đó khi con cháu của người sáng lập công ty trực tiếp tiếp quản công ty thì cũng là lúc hiệu quả làm việc trong công ty có dấu hiệu giảm sút. Tới thời điểm thế hệ thứ ba tiếp quản công ty, bối cảnh doanh nghiệp đã được đặt sẵn cho những vụ tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình. Thay vì tập trung vào điều hành doanh nghiệp, họ sẽ tranh giành các phần chia lợi nhuận và các vị trí của ban lãnh đạo công ty.
 
Mặt khác, các công ty gia đình do ít người kiểm soát, không phải chịu sức ép từ bên ngoài và thiếu cơ chế phản biện hợp lý nên có nguy cơ trì trệ về mặt tổ chức và chiến lược kinh doanh không phù hợp thực tiễn thị trường.
lap than
Một công ty gia đình phát triển sẽ ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi phải có cơ cấu tổ chức và quản trị chuẩn mực hơn. Khi doanh nghiệp gia đình trở thành một công ty cổ phần, cần có một hội đồng quản trị chuyên nghiệp để có thể hoạch định chiến lược và kiểm soát hiệu quả hoạt động của bộ máy điều hành công ty.
 
Bài học thành công từ các công ty gia đình lớn
 
Quản trị công ty tốt là yếu tố quyết định thành công dài hạn của các công ty gia đình. Kinh nghiệm các công ty gia đình thành công trên thế giới cho thấy ở các công ty này có sự tách biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu và quyền điều hành, thừa nhận vai trò của một hội đồng quản trị độc lập đồng thời xác định rõ ràng trách nhiệm của chủ sở hữu với hội đồng quản trị và bộ máy điều hành.
 
Ngoài ra có thể thấy một số yếu tố quyết định sự thành công của công ty gia đình, đó là: Hội đồng quản trị giỏi và Ban điều hành chuyên nghiệp. Hội đồng quản trị và Ban điều hành chuyên nghiệp này có trách nhiệm chính là xây dựng những quy định mà các thành viên trong công ty phải tuân theo và không có quyền thay đổi, ngay kể cả những nhân sự chủ chốt, để có thể phân tán rủi ro và quản lý hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp.
 
Phân biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu và quyền điều hành
 
Các thành viên gia đình thường đảm nhiệm nhiều vai trò: lúc thì là chủ sở hữu lúc lại là thành viên hội đồng quản trị, Tổng giám đốc. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, vị trí của mỗi thành viên cần xác định rõ ràng để tránh những nhầm lẫn hay tranh chấp.
 
Chìa khoá thành công của một công ty gia đình chính là sự trung thành tuyệt đối với những giá trị được truyền từ đời này qua đời khác và sự nhận thức nhạy bén về ý nghĩa của việc làm chủ. Đối với những vấn đề cốt lõi trong việc quản trị, công ty gia đình cần thành lập những quy chế giống như Hiến pháp, như thỏa thuận trong gia đình về thành phần Hội đồng quản trị và cách thức bầu cử thành viên Hội đồng quản trị; những điều kiện để các thành viên gia đình có thể tham gia kinh doanh; số lượng cổ phiếu có thể được bán trong và ngoài gia đình và giới hạn cho các chiến lược của công ty cũng như giới hạn tài chính.
 
Những thoả thuận này thường được xây dựng từ năm này qua năm khác góp phần tạo nên một nền tảng vững chắc cho thành công dài hạn của bất cứ một công ty gia đình nào. Và để đạt được thành công dài hạn, các công ty gia đình cần đáp ứng hai điều kiện chính sau:
 
Một là kỹ năng quản lý chuyên nghiệp và hai là sự tận tâm tận lực trong việc làm chủ của các thành viên trong gia đình. Nhờ có những thoả thuận và quy định rõ ràng trong nội bộ, những bất đồng giữa các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng được giải quyết một cách ổn thoả, do đó công ty có thể tập trung cho những chiến lược nhắm tới thành công dài hạn của mình.
 
Hội đồng quản trị giỏi và ban điều hành chuyên nghiệp
 
Những thành viên trong gia đình mà tham gia vào hoạt động của công ty cần phải nhận thức được rằng họ phải là những chuyên gia xuất sắc trong quản trị doanh nghiệp. Ngay cả khi gia đình nắm giữ tất cả cổ phần trong công ty, Hội đồng quản trị vẫn có thể bao gồm các thành viên không thuộc gia đình.
 
Tuy nhiên, một số công ty gia đình thành công đã tự đưa ra quy định rằng trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành, chỉ có tối đa 30-50% số ghế thuộc về các thành viên trong gia đình. Một công ty gia đình thành công khác đã thành lập một ban độc lập chuyên đề cử và bầu chọn 1/3 số thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành với phương châm là phải thuê được những người giỏi nhất.
 
Phân tán rủi ro
 
Các công ty gia đình thành công thường được tổ chức dưới dạng tập đoàn bao gồm các công ty con có quy mô khá lớn. Các công ty con này có thể được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán; trong khi đó công ty đầu não sẽ hoạt động khép kín và sẽ được thành viên trong gia đình trực tiếp điều hành. Bằng việc giữ quyền sở hữu công ty đầu não này, các gia đình tránh được áp lực từ phía các cổ đông bên ngoài đòi hỏi lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Nhờ vậy, các công ty này có thể theo đuổi việc thực hiện các chiến lược đa dạng hoá đầu tư nhằm đạt được lợi nhuận ổn định và vượt qua được những biến đổi của thị trường theo các chu kỳ kinh tế.
 
Nhiều công ty gia đình công khai tuyên bố nguyên tắc: không bảo đảm nợ cho các công ty họ nắm giữ phần vốn. Việc công ty gia đình không đứng ra bảo lãnh khiến cho công ty con có thể phải chịu lãi suất và chi phí cao hơn khi vay nợ nhưng việc phân tán rủi ro sẽ giúp bảo vệ tài sản của gia đình.
 
Tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của gia đình
 
Các công ty gia đình thành công đều là các công ty kinh doanh đa ngành nghề, một số gia đình có một mạng lưới các công ty có lĩnh vực hoạt động không liên quan tới nhau, nhưng tập trung vào từ hai đến bốn lĩnh vực chính với sự pha trộn giữa các hoạt động có mức độ rủi ro cao và các hoạt động có thu nhập ổn định. Rất nhiều gia đình bổ sung lĩnh vực kinh doanh truyền thống thông qua việc sáp nhập và mua lại (M&A) hoặc đầu tư khoảng 10 đến 20% vốn điều lệ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mới.
 
Bí quyết thành công của họ nằm ở chỗ biết kết hợp hài hoà giữa ý tưởng táo bạo là thay đổi danh mục đầu tư với chuyển đổi dần dần từ khu vực đã phát triển sang khu vực đang tăng trưởng để bảo toàn tài sản gia đình. Việc nhiều công ty gia đình rời bỏ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi luôn là một quyết định gây hậu quả nghiêm trọng. Để có thể tồn tại và phát triển bền vững, các công ty gia đình cần phải tập trung vào toàn bộ các công ty con với chiến lược tổng thể chứ không nên quá chú tâm vào từng công ty con một.
 
Ngoài những kinh nghiệm trên, dưới đây là một số cách thức để tăng cường hiệu quả hoạt động của công ty gia đình:
 
Bên cạnh các cuộc họp của công ty, có thể tổ chức các cuộc họp gia đình với sự tham gia đầy đủ của tất cả thành viên để bàn về các vấn đề trong hoạt động kinh doanh của công ty.
 
Có thể xây dựng một quy chế nghiêm túc, được viết thành văn bản một cách rõ ràng để điều tiết hành vi của từng thành viên trong gia đình mà tham gia vào công việc kinh doanh của công ty.
 
Đánh giá kết quả, thành tích làm việc của từng thành viên là điều cần thiết.
 
Công khai việc phân chia quyền sở hữu, thẩm quyền quyết định trong kinh doanh với sự đồng ý của đa số các thành viên trong gia đình.
 
Và cuối cùng, việc xây dựng và duy trì các công ty gia đình gia đình không những đòi hỏi phải có bộ máy quản trị, lãnh đạo công ty tốt mà các thành viên trong gia đình phải đoàn kết, hợp lực với nhau để có thể giữ vững quyền sở hữu và quyền quản lý công việc kinh doanh này.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây