+ Cấp xét xử: phúc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Quận 1, TP. HCM.
+ Kết quả giải quyết: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 774/2019/DSPT NGÀY 03/09/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Trong các ngày 16, 29 tháng 7, ngày 20, 27 tháng 8 và ngày 03 tháng 9 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 224/DSPT ngày 18 tháng 4 năm 2019, về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 35/2019/DS-ST ngày 18/02/2019 của Tòa án nhân dân Quận 1 bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2669/2019/QĐ-PT 17/6/2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lê Phong L, sinh năm 1974
Địa chỉ: 554 LL, Phường A, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: ông Phạm Đại L1, ông Phạm Vũ Khánh T và bà Trương Thị Thu H là Luật sư của Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bị đơn:
1/ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học PT (tên hiện nay là Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và Giải trí PT)
Địa chỉ trụ sở: Số 53 HK, phường Đ, Quận D, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trụ sở hiện tại: Số 6 P, phường Đ, Quận D, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và Giải trí PT là bà Phan Thị Mỹ H1;
Người đại diện theo uỷ quyền: ông Nguyễn Vân N
Địa chỉ: Số 305 Nguyễn Đình Ch, Phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
(Đại diện theo ủy quyền, văn bản ủy quyền ngày 02/5/2016).
2/ Bà Phan Thị Mỹ H1, sinh năm 1965
Địa chỉ: số 373/15 NĐ, Phường M, quận PN, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của bà Phan Thị Mỹ H1 có: ông Nguyễn Vân N.
Địa chỉ: Số 305 NĐ, Phường F, Quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.
(Văn bản ủy quyền ngày 14/9/2010)
- Người kháng cáo: Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và Giải trí PT và bà Phan Thị Mỹ H1 là đồng bị đơn.
Ông L, ông N, bà H1 có mặt tại phiên toà.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn là ông Lê Phong L trình bày:
Từ năm 2001, biết Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT (sau đây viết tắt là Công ty PT) có đầu tư làm truyện tranh cho thiếu nhi, ông bắt đầu về làm việc tại Công ty với vị trí họa sĩ vẽ minh họa.
Khi đó, giám đốc Công ty PT là bà Phan Thị Mỹ H1 có đề nghị ông vẽ bộ truyện dân gian để chuyển thể các điển tích và nhân vật trạng ngày xưa. Ông có xây dựng khoảng 30 nhân vật và chọn ra 4 hình tượng nhân vật là O, P, Q, R để sáng tác bộ truyện tranh E.
Ông thực hiện các công việc từ hình thành ý tưởng sáng tạo đến vẽ hình tượng nhân vật và dự kiến số tập truyện phải xuất bản trong năm. Công ty PT và các đồng nghiệp chỉ hỗ trợ mua tư liệu, lọc nét, xử lý màu, đóng góp ý kiến nhằm rút ngắn thời gian và hoàn thiện bộ truyện hơn. Bà Phan Thị Mỹ H1 không tham gia vào một khâu sáng tạo nào trong sáng tác truyện mà chỉ có vai trò điều phối chung và góp ý với tư cách là nhà quản lý. Việc tiếp thu các ý kiến góp ý từ bà H1 và người khác vào bộ truyện tranh hoàn toàn do ông quyết định. Khi truyện phát hành, trên tất cả các trang bìa tập truyện đều có ghi nhận tác giả là Lê L (là bút danh của ông).
Ngày 29/3/2002, theo yêu cầu của bà H1, ông có ký đơn để Công ty PT đăng ký quyền sở hữu đối với 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R. Sau đó, Công ty PT được Cục bản quyền cấp Giấy chứng nhận ghi nhận là chủ sở hữu bản quyền của 4 hình tượng nhân vật trên.
Ông tiếp tục sáng tác truyện E cho đến tập 78 thì dừng lại và nghỉ việc tại Công ty PT.
Một thời gian sau, ông phát hiện Công ty PT đã tự tạo ra nhiều biến thể khác nhau của 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R trên các tập truyện E từ tập 79 cho đến nay và các ấn phẩm khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật mà không xin phép ông.
Nay, ông yêu cầu:
- Công nhận ông là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R trong bộ truyện tranh E từ tập 01 đến tập 78, không công nhận bà Phan Thị Mỹ H1 là đồng tác giả trong việc sáng tác 4 hình tượng nhân vật trên.
- Buộc công ty PT chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng O, P, Q, R trên các tập E tiếp theo tập 78 và trên các ấn bản khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật.
- Buộc Công ty PT xin lỗi công khai trên báo Pháp luật, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười, Sài Gòn Giải Phóng, Thể thao và Văn hóa trong 3 kỳ liên tiếp với nội dung xin lỗi như sau: “Tôi là Phan Thị Mỹ H1, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT, xin lỗi ông Lê Phong L (bút danh Lê L) cùng toàn thể độc giả E vì đã có hành xâm phạm hình tượng các nhân vật Trạng Trí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo do ông Lê Phong L (bút danh Lê L) sáng tác trong bộ truyện tranh E.
- Buộc Công ty PT thanh toán chi phí thuê luật sư là 20.000.000 đồng. Ông cho rằng lý do ông ký tên vào Đơn đăng ký bản quyền ngày 29/3/2002 gửi Cục bản quyền tác giả là làm theo yêu cầu bà Phan Thị Mỹ H1, mục đích của việc đăng ký này là ghi nhận quyền sở hữu của Công ty PT đối với hình thức thể hiện các nhân vật O, P, Q, R, chứ không phải ghi nhận quyền tác giả cho bà Phan Thị Mỹ H1 hay ghi nhận ông chuyển quyền tác giả đối với 4 hình tượng nhân vật trên cho Công ty PT hay bất kỳ ai khác.
Theo ông, Công ty PT sử dụng 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R để thực hiện truyện E từ tập 79 trở đi và các tập truyện E Khoa Học, E Mỹ Thuật là làm tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên, việc Công ty PT tự tạo ra các biến thể của 4 hình tượng nhân vật này trong các tập truyện trên với những hình ảnh, dáng vẻ, tư thế khác so với hình tượng gốc do ông sáng tác mà không được sự đồng ý của ông là xâm phạm đến sự toàn vẹn của tác phẩm và quyền nhân thân của ông, Bị đơn là bà Phan Thị Mỹ H1 và Công ty PT cùng có người đại diện hợp pháp là ông Nguyễn Vân N trình bày:
Bị đơn xác nhận nội dung trình bày của nguyên đơn về quan hệ lao động giữa ông Lê Phong L và Công ty PT là đúng. Tuy nhiên, Bị đơn không đồng ý với toàn bộ lời trình bày của Nguyên đơn về quá trình sáng tác 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R trong các tập truyện E.
Bà Phan Thị Mỹ H1 không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn về công nhận ông Lê Phong L là tác giả duy nhất của hình tượng các nhân vật O, P, Q, R trong các tập truyện E từ tập 1 đến tập 78, bởi lẽ:
- Tại văn bản ngày 29/3/2002, ông L đã ký cam kết, thỏa thuận với bà Phan Thị Mỹ H1 công nhận bà Phan Thị Mỹ H1 là đồng tác giả của 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R và chuyển toàn bộ quyền sở hữu 4 hình tượng trên cho Công ty PT. Văn bản này về bản chất là một giao dịch dân sự được ông L tự nguyện xác lập, phù hợp quy định tại Điều 130, 131, 132, 133 Bộ luật dân sự 1995 và có giá trị ràng buộc thực hiện theo quy định tại Điều 7 Bộ luật dân sự 1995. Việc ông L khởi kiện ra tòa yêu cầu công nhận mình là tác giả duy nhất là vi phạm cam kết trên.
- Trong quá trình giải quyết vụ án, Nguyên đơn không chứng minh được mình là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm theo quy định tại khoản 7 Điều 4, khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 8 Nghị định 100/2006/NĐ-CP, cụ thể là không chứng minh được về thời gian, địa điểm sáng tạo, hình thức, cách thức sáng tác, dấu ấn sáng tạo cá nhân của mình, căn cứ duy nhất được ông L đưa ra là trên bìa ấn phẩm E có ghi tên “Lê L”. Tuy nhiên, căn cứ này không được quy định tại Nghị định 100/2006/NĐ-CP. Đồng thời, do Việt N chưa phải là thành viên của Công ước Berne nên không thể áp dụng quy định suy đoán tác giả của Công ước Berne để xác định Nguyên đơn là tác giả duy nhất các tác phẩm.
- Bà H1 là người đầu tiên có ý tưởng về các nhân vật trong E. Bà H1 đã lấy hình mẫu, cơ sở cấu trúc nhân vật truyện tranh Nhật Bản và đường nét mang tính dân gian Việt N để tạo nên 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R. Hình tượng 04 nhân vật trên đã định hình rõ ràng trong trí óc của bà H1, nhưng do không phải là họa sĩ nên bà H1 đã thuê các họa sĩ, trong đó có ông L, giúp bà thể hiện các hình tượng này ra thế giới vật chất; quá trình này vẫn được bà H1 đích thân chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm soát chặt chẽ, cầm tay chỉ vẽ để đảm bảo bản vật thể hóa các hình tượng nhân vật trên phải hoàn toàn trùng khớp với tác phẩm trong thế giới tinh thần của bà H1.
- Các thông tin về quy trình sáng tác truyện được ghi nhận tại tập 24 và 37 của bộ truyện E được Công ty PT đưa ra chỉ để phục vụ cho câu lạc bộ giao lưu với bạn đọc, nhằm mục đích kinh doanh, không hoàn toàn đúng nhưng cũng không hoàn toàn sai, tránh đối thủ cạnh tranh bắt chước, giúp nâng vị thế của Lê L chứ không phải thừa nhận ông Lê Phong L là tác giả của truyện.
Công ty PT không đồng ý với yêu cầu của Nguyên đơn về buộc Công ty PT chấm dứt việc tạo ra các biến thể của hình tượng 04 nhân vật O, P, Q, R trên các tập E tiếp theo tập 78 và trên các ấn bản khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật, bởi lẽ:
- Qua văn bản đề ngày 29/3/2002, ông L đã thừa nhận bà H1 là đồng tác giả và chuyển quyền sở hữu hình tượng 4 nhân vật O, P, Q, R cho Công ty PT. Công ty cũng đã được cấp Giấy chứng nhận bản quyền. Đến nay, chưa có quyết định nào tuyên bố văn bản ngày 29/3/2002 và Giấy chứng nhận bản quyền vô hiệu. Do đó, Công ty PT có quyền sử dụng hình tượng 4 nhân vật O, P, Q, R để làm tác phẩm phái sinh.
- Do không có hành vi xâm phạm quyền tác giả nên Công ty PT không đồng ý với yêu cầu của Nguyên đơn về Công ty phải xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và thanh toán chi phí luật sư 20.000.000 đồng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 35/2019/DSST ngày 18/02/2019 của Tòa án nhân dân Quận 1 quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn đối với Bị đơn PT Mỹ H1:
Công nhận ông Lê Phong L là tác giả duy nhất của hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R trong bộ truyện tranh E từ tập 01 đến tập 78 theo các Giấy chứng nhận bản quyền tác giả số 246/2002/QTG, 247/2002/QTG, 248/2002/QTG, 249/2002/QTG đã được Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ) cấp ngày 07 tháng 5 năm 2002 cho Chủ sở hữu tác phẩm là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT (tên hiện nay là Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và giải trí PT).
Ông Lê Phong L được quyền liên hệ Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được ghi nhận là tác giả duy nhất đối với các tác phẩm nêu trên theo quy định của pháp luật.
2. Chấp nhận 01 phần các yêu cầu của Nguyên đơn đối với Bị đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT (tên hiện nay là Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và giải trí PT):
Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng các biến thể của hình thức thể hiện của các nhân vật O, Q, P, R trên các tập tiếp theo từ tập 79 của truyện tranh E cũng như trên các ấn bản khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật.
Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT phải xin lỗi ông Lê Phong L trên Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ trong 03 số liên tiếp với nội dung như sau:
Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT xin lỗi ông Lê Phong L (bút danh Lê L) do đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả của ông L đối với hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R.
Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT thanh toán cho ông Lê Phong L chi phí thuê luật sư là 15.000.000 đồng.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
3. Không chấp nhận phần yêu cầu của Nguyên đơn về việc yêu cầu Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT thanh toán cho ông Lê Phong L chi phí thuê luật sư là 5.000.000 đồng.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 26/02/2019, bị đơn – bà Phan Thị Mỹ H1 và Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT kháng cáo toàn bộ nội dung án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn không rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn không rút yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người đại diện theo ủy quyền của đồng bị đơn trình bày và bà H1 bổ sung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT có quyền tự do sử dụng các quyền tài sản trong đó có quyền làm tác phẩm phái sinh đối với các hình tượng nhân vật O, P, Q, R; Giữ nguyên hiệu lực của các Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục bản quyền tác giả cấp cho nguyên đơn và bà Phan Thị Mỹ H1; công nhận ông Lê Phong L là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ H1 đối với hình tượng các nhân vật O, P, Q, R. Lý do: Tòa án nhân dân Quận D không có thẩm quyền giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không triệu tập Cục bản quyền tác giả tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án; Hình vẽ 4 nhân vật không phải là sản phẩm tinh thần sáng tạo mang đặc trưng cá nhân của nguyên đơn. Nguyên đơn không chứng minh được dấu ấn cá nhân trong cách thể hiện hình tượng các nhân vật trên. Công ty PT là chủ sở hữu tác phẩm nên có quyền làm tác phẩm phái sinh, nguyên đơn không chứng minh được Công ty PT đã tạo ra biến thể khác là như thế nào.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Bản án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, khách quan và đúng pháp luật nên kính đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của Bị đơn.
Nguyên đơn trình bày: Ông vào Công ty PT đã soạn thảo thử vài bộ truyện tranh và được bà H1 đồng ý, bà H1 có ý tưởng soạn bộ truyện E. Các công đoạn viết kịch bản, phát thảo bản gốc, đặt tên cho nhân vật đều do ông làm. Tên nhân vật đều do ông nghĩ ra. Từ tập 1 khi chưa đăng ký đều ghi nhận ông là tác giả. Giai đoạn lọc nét chỉ là chỉnh lại nét, sau này do sản xuất nhiều nên mới có dây chuyền sản xuất, đều vẽ trên bản thảo của ông. Bị đơn cho rằng việc tạo ra các hình tượng nhân vật là lấy hình ảnh từ những bộ truyện tranh nước ngoài là hoàn toàn không đúng, ông không bị ảnh hưởng bởi phong cách nào, ông muốn sáng tạo ra hình tượng nhân vật thuần Việt. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
Về hình thức: Đơn kháng cáo của đương sự làm trong hạn luật định nên hợp lệ, đề nghị Tòa án chấp nhận. Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa chấp hành đúng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm.
Về nội dung: Với các chứng cứ có trong hồ sơ cũng như qua tranh luận tại phiên Toà phúc thẩm đã có cơ sở để xác định bản án sơ thẩm đã tuân thủ đúng quy định về tố tụng dân sự không có vi phạm về hình thức. Về nội dung Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về quyền tác giả và chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng các biến thể của hình thức thể hiện các nhân vật tranh chấp cũng như việc buộc Công ty PT phải xin lỗi và bồi thường chi phí thuê Luật sư là có căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của các bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận và sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức và thời hạn kháng cáo: Ngày 18/02/2019, Toà án nhân dân Quận 1 ban hành bản án số 35/2019/DSST giải quyết vụ án, bị đơn – bà PT Mỹ H1 và Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT có người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Vân N có mặt tại phiên tòa. Ngày 26/02/2019, các bị đơn có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì kháng cáo của bà H1 và Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT còn trong hạn luật định và hợp lệ.
[2] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án:
Nguyên đơn - ông Lê Phong L khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận ông là tác giả duy nhất của hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R trong bộ truyện tranh E từ tập 01 đến tập 78. Yêu cầu Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT chấm dứt hành vi tự tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng O, P, Q, R trên các tập E tiếp theo tập 78 và trên các ấn bản khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật. Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT xin lỗi công khai. Xét, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa cá nhân và tổ chức nhưng không có mục đích lợi nhuận, là tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, Tòa án nhân dân Quận 1 căn cứ khoản 4 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự giải quyết vụ án theo trình tự sơ thẩm là đúng theo quy định pháp luật. Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ban hành bản án, các bị đơn có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm nên căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của các bị đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành xét xử không đúng thẩm quyền, thực chất của việc tranh chấp về quyền tác giả của nguyên đơn mang mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ nào mới chứng minh cho lời trình bày của mình. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thuộc về quyền nhân thân trong quyền tác giả đối với tác phẩm, trong đó có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Do đó nguyên đơn không nhằm mục đích có thu lợi nhuận hay không thu được lợi nhuận từ yêu cầu này, đây là tranh chấp dân sự về quyền sở hữu trí tuệ, lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là không có căn cứ chấp nhận.
[3] Về yêu cầu triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập Cục Bản quyền tác giả tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hội đồng xét xử xét thấy trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm Cục Bản quyền tác giả có văn bản số 147/BQTG-TT ngày 23/8/2010 (BL 153) có nội dung: Trong trường hợp tòa án giải quyết vụ án phát hiện hồ sơ tài liệu có chứng cứ ngược lại, Cục Bản quyền tác giả sẽ ra quyết định hủy bỏ hiệu lực đối với Giấy chứng nhận bản quyền tác giả đã cấp. Theo quy định tại Điều 51 Luật sở hữu trí tuệ và Điều 35, 36, 37 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả thì Cục Bản quyền tác giả là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả theo Hồ sơ đăng ký quyền tác giả của người nộp. Đồng thời theo quy định tại Điều 55 Luật Sở hữu trí tuệ thì “Tổ chức, cá nhân phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trái với quy định của Luật này thì có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan”. Do đó việc Tòa án công nhận hoặc không công nhận hiệu lực các Giấy chứng nhận quyền tác giả mà Cục Bản quyền tác giả cấp số 246, 247, 248, 249/2002/QTG ngày 07 tháng 5 năm 2002 không liên quan đến quyền, nghĩa vụ của Cục Bản quyền tác giả. Căn cứ khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Cục Bản quyền tác giả tham gia tố tụng là có căn cứ, phù hợp với quy định pháp luật.
[4] Về yêu cầu triệu tập người làm chứng: Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn - ông Nguyễn Vân N có văn bản yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập người làm chứng là Hội Mỹ thuật Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia phiên tòa. Xét thấy, theo quy định tại Điều 77 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người làm chứng là “Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng”. Theo văn bản ngày 24/8/2010, Hội Mỹ thuật chỉ nêu lên ý kiến cá nhân của mình về vụ kiện, không thể hiện mình là người trực tiếp chứng kiến hay biết về quá trình sáng tác, đăng ký bản quyền của 4 hình tượng nhân vật đang tranh chấp. Đồng thời, Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả theo quy định pháp luật trên cơ sở đơn yêu cầu của người nộp. Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ triệu tập các cơ quan này với tư cách người làm chứng như yêu cầu của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn.
[5] Về nội dung:
Đối với nội dung kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử xét thấy:
[5.1] Về yêu cầu xác định bà Phan Thị Mỹ H1 và ông Lê Phong L là đồng tác giả:
[5.1.1] Đối tượng tranh chấp trong vụ án là hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R. Theo các Giấy chứng nhận bản quyền tác giả số 246, 247, 248, 249/2002/QTG ngày 07 tháng 5 năm 2002, hình thức thể hiện của 4 nhân vật đang tranh chấp đã được Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa Thông tin cấp cho chủ sở hữu là Công ty PT. Tuy nhiên tại mục tác giả các văn bản nêu trên thể hiện là tập thể tác giả. Nguyên đơn cho rằng ông là người trực tiếp sáng tác ra hình tượng của 4 nhân vật, yêu cầu Tòa án xác định ông là tác giả duy nhất của hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R. Bị đơn cho rằng bà Phan Thị Mỹ H1 là tác giả của các tác phẩm tranh chấp do các tác phẩm này đã được định hình rõ ràng trong trí óc của bà, ông L chỉ là người được bà thuê để vật thể hóa các ý tưởng đó ra thế giới bên ngoài. Nguyên đơn cũng không chứng minh được địa điểm và thời gian sáng tạo; hình thức, cách thức sáng tạo và dấu ấn cá nhân của mình trong tác phẩm.
[5.1.2] Nhận thấy, việc sáng tác và cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả diễn ra vào giai đoạn chưa có Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh nên cần áp dụng quy định về Sở hữu trí tuệ của Bộ luật dân sự 1995 và các văn bản hướng dẫn phần này của Bộ luật dân sự năm 1995 là phù hợp.
[5.1.3] Hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R là các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, là loại hình tác phẩm được bảo hộ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 747 của Bộ luật Dân sự năm 1995. Theo quy định tại khoản 1 Điều 745, Điều 754 Bộ luật Dân sự 1995 thì “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học”; “Quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức nhất định”. Điều 6 của Nghị định số 76-CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự quy định: “Quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh tại thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ”. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn cung cấp bản chính bản thảo của hình thức thể hiện 4 nhân vật tuy nhiên không thể hiện vẽ vào thời điểm nào. Bị đơn cũng cung cấp các hình ảnh và cho rằng đây là những hình ảnh phát họa đầu tiên và hình ảnh sau khi có sự góp ý chỉnh sửa của bà H1 nhưng cũng không cung cấp được thông tin thời gian vẽ ra các hình ảnh đó. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn cũng thừa nhận nguyên đơn là người trực tiếp vẽ ra các nhân vật O, P, Q, R và bắt đầu xuất hiện từ tập 01 bộ truyện tranh E do Công ty PT thực hiện xuất bản. Trên các ấn phẩm phát hành đều thể hiện nguyên đơn (bút danh Lê L) là người thể hiện phần tranh minh họa, ngoài ra một số mục khác như quá trình thực hiện bộ truyện E mà theo trình bày của bà Phan Thị Mỹ H1 là để giao lưu với bạn đọc thì đều thể hiện họa sĩ Lê L là tác giả. Theo khoản 3 và khoản 5 Điều 2 Nghị định số 76 – CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự thì để được công nhận là tác giả, người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật hoặc khoa học phải đề tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm được công bố, phổ biến; cá nhân, tổ chức làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả. Xét, cá nhân được công nhận là tác giả khi sáng tạo ra tác phẩm và thể hiện sự sáng tạo đó dưới một hình thức vật chất nhất định. Tức là, nếu một người có ý tưởng sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, nhưng chưa thể hiện ý tưởng này dưới bất kỳ hình thức nào thì không thể yêu cầu công nhận mình là tác giả đối với ý tưởng đó.
[5.1.4] Việc nguyên đơn là người trực tiếp thể hiện các hình tượng nhân vật dưới hình thức vật chất nhất định là phù hợp với quy định pháp luật đã viện dẫn nêu trên. Bị đơn cho rằng những hình tượng nhận vật này thật chất đã hình thành trong trí óc của bà mà nguyên đơn chỉ là người thực hiện vẽ lại theo mô tả, bà đã tham gia góp ý, chỉnh sửa cho đến khi đúng với ý tưởng của mình nên cho rằng mình là tác giả của hình thức thể hiện của bốn nhân vật đang tranh chấp là không có cơ sở. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng nguyên đơn không thể hiện được dấu ấn cá nhân đối với các hình tượng nhân vật, không diễn tả được quá trình sáng tác của mình đối với tác phẩm. Ông L không có không gian sáng tạo dấu ấn cá nhân, phải vẽ trong sự kiểm soát, giám sát của bà H1 nên nguyên đơn cho rằng mình là tác giả duy nhất là không phù hợp. Xét lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là không có căn cứ chấp nhận, vì theo các quy định của pháp luật đã viện dẫn như trên thì dấu ấn cá nhân của tác giả không phải là điều kiện để xác định tác giả của tác phẩm. Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử nhận thấy kháng cáo của các bị đơn là không có căn cứ chấp nhận. Án sơ thẩm xác định ông Lê Phong L là tác giả duy nhất của hình thức thể hiện của bốn nhân vật O, P, Q, R là có căn cứ.
[5.2] Về việc xác định có hay không việc xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm là bốn hình tượng nhân vật đang tranh chấp: Theo quy định của Điều 1 Phần V của Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sỡ hữu trí tuệ có quy định về áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ để giải quyết tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan: “Đối với quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật sở hữu trí tuệ có hiệu lực (01-7-2006), nếu còn thời hạn bảo hộ vào ngày 01-7-2006, thì tiếp tục được bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Do đó, khi giải quyết loại tranh chấp này, thì Toà án áp dụng quy định của Luật sở hữu trí tuệ”. Vì vậy để xem xét yêu cầu này giữa hai bên đương sự, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ để giải quyết là phù hợp.
[5.2.1] Nguyên đơn cho rằng mục đích ông đến làm việc tại Công ty PT là để hợp tác, không phải là lao động theo hợp đồng, các văn bản ông ký cho Công ty PT chỉ là hợp thức hóa trong quá trình xin cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả đối với các hình tượng nhân vật. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho lời trình bày này. Căn cứ hợp đồng lao động mà nguyên đơn ký kết với Công ty PT và lời trình bày của bị đơn trong quá trình giải quyết vụ án, có cơ sở xác định nguyên đơn làm việc cho Công ty PT theo hợp đồng lao động, nhiệm vụ là vẽ tranh minh họa. Theo quy định tại khoản 1 Điều 746 Bộ luật Dân sự 1995 thì chủ sở hữu của tác phẩm là tác giả trừ trường hợp tác phẩm sáng tạo theo nhiệm vụ được giao, theo hợp đồng. Theo văn bản đề ngày 29/3/2002 thể hiện “Chúng tôi đứng tên dưới đây gồm: 1. Lê Phong L; 2. Phan Thị Mỹ H1 được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học PT,…giao nhiệm vụ thực hiện các tác phẩm: bản vẽ nhân vật bé P, nhân vật O, nhân vật R, nhân vật Q để in trên bộ truyện tranh E”. Văn bản nêu trên có chữ ký của ông Lê Phong L. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 746 Bộ luật Dân sự 1995 thì “Cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả là chủ sở hữu toàn bộ hoặc một phần tác phẩm do tác giả sáng tạo theo nhiệm vụ mà cơ quan hoặc tổ chức giao”. Do đó, Công ty PT là tổ chức giao nhiệm vụ cho ông Lê Phong L vẽ minh họa nên là chủ sở hữu tác phẩm E còn như nhận định trên ông L là tác giả hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R do ông Lê Phong L vẽ. Công ty PT được quyền làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa, cắt xén hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R hoặc xuyên tạc các tác phẩm này dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của ông Lê Phong L.
[5.2.2] Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn cho rằng Công ty PT đã phát hành truyện tranh E từ tập 01 đến tập 78, sau đó nguyên đơn nghỉ việc tại Công ty PT nhưng Công ty vẫn phát hành tiếp các tập truyện Thần Đồng Đất việc từ tập 79 trở đi và các bộ truyện tranh E Mỹ Thuật, E Khoa Học với hình thức thể hiện của các nhân vật khác so với hình thức thể hiện đã được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả mà không có sự đồng ý của ông. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cho rằng bị đơn đã thuê họa sĩ vẽ lại các nhân vật O, P, Q, R nhưng có những đường nét không đúng với hình thức thể hiện trước đây do nguyên đơn vẽ làm biểu cảm của nhân vật không được tự nhiên, sinh động, nguyên đơn gọi đây là các biến thể. Nguyên đơn và các bị đơn đều không cung cấp chứng cứ chứng minh có thỏa thuận nào khác khi Công ty PT phát hành tiếp các tập tiếp theo của truyện E và các bộ truyện tranh E Mỹ Thuật, E Khoa Học. Tại các tập truyện này vẫn sử dụng hình ảnh, tên các nhân vật O, P, Q, R tuy nhiên không ghi nhận phần tranh trong truyện là sử dụng tác phẩm hình tượng nhân vật của tác giả Lê L như các tập E từ 01 đến 78. Theo khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Các bên đương sự đều cho rằng việc Công ty PT sử dụng hình thức thể hiện của các nhân vật nêu trên để thực hiện các tập từ tập 79 trở đi của bộ truyện tranh E cũng như thực hiện các bộ truyện tranh E Mỹ Thuật, E Khoa Học, với hình thức thể hiện khác so với hình thức thể hiện đã được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả, là hoạt động làm tác phẩm phái sinh nhưng không nêu được đó là hoạt động nào trong các hoạt động dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải hay tuyển chọn. Hội đồng xét xử nhận thấy, theo các Giấy chứng nhận số 246, 247, 248, 249/2002/QTG ngày 07/5/2002 của Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa thông tin và các tài liệu kèm theo các giấy chứng nhận này thì hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R chỉ được diễn hoạt ở một vài góc cạnh như trước, nghiêng, sau lưng. Đây được xem hình thức thể hiện gốc của các tác phẩm. Công ty PT là chủ sở hữu tác phẩm có quyền làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa tác phẩm gốc. Ông Lê Phong L là tác giả của tác phẩm có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
[5.2.3] Do các bị đơn không nêu được việc thực hiện các tập từ tập 79 trở đi của bộ truyện tranh E cũng như thực hiện các bộ truyện tranh E Mỹ Thuật, E Khoa Học là hoạt động nào trong hoạt động làm tác phẩm phái sinh nên Hội đồng xét xử không có cơ sở xem đây là hoạt động làm tác phẩm phái sinh. Ông Lê Phong L chỉ là tác giả của hình thức thể hiện gốc của bốn nhân vật O, P, Q, R theo các Giấy chứng nhận bản quyền tác giả số 246, 247, 248, 249/2002/QTG ngày 07 tháng 5 năm 2002. Bộ truyện E là do Công ty PT phát hành, có sử dụng hình thức thể hiện của 4 nhân vật này. Tuy Công ty PT là chủ sở hữu tác phẩm là hình thức thể hiện của 4 nhân vật, được quyền sử dụng hình tượng 4 nhân vật này vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình nhưng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả là sự toàn vẹn của tác phẩm. Việc đưa hình ảnh các nhân vật này vào nội dung truyện cần thể hiện các nét mặt, tư thế, hành động phù hợp với nội dung cốt truyện sẽ làm sai lệch so với hình thức thể hiện gốc. Việc làm sai lệch so với hình thức thể hiện gốc không có sự đồng ý của tác giả, đồng thời Công ty PT không ghi chú rõ việc sử dụng hình thức thể hiện của 4 nhân vật O, P, Q, R là tác phẩm của tác giả Lê Phong L. Do đó, Hội đồng xét xử có căn cứ xác định Công ty PT đã có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả Lê Phong L theo quy định tại Điều 19, khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Án sơ thẩm xác định Công ty PT xâm phạm quyền tác giả của Ông L khi có các hoạt động nêu trên là có căn cứ.
[5.3] Về yêu cầu của nguyên đơn buộc Công ty PT công khai xin lỗi nguyên đơn và độc giả của bộ truyện tranh E do đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả của nguyên đơn:
Do có sự xâm phạm quyền nhân thân của tác giả như đã phân tích ở trên nên việc Công ty PT phải công khai xin lỗi ông Lê Phong L như án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ phù hợp với quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ. Cần buộc Công ty PT xin lỗi công khai ông L trên Báo Thanh niên và Báo Tuổi trẻ trong 03 số liên tiếp với nội dung như sau: “Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT xin lỗi ông Lê Phong L (bút danh Lê L) do đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả của ông L đối với hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R ”.
[5.4] Về yêu cầu của nguyên đơn buộc Công ty PT phải thanh toán chi phí luật sư là 20.000.000 đồng: Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty PT phải bồi thường cho ông Lê Phong L chi phí thuê luật sư là 15.000.000 đồng. Ông L không có kháng cáo đối với phần này của án sơ thẩm. Bị đơn kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm nhưng nội dung kháng cáo không được chấp nhận như đã phân tích nêu trên nên bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán chi phí thuê luật sư cho nguyên đơn theo quy định tại khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ. Xét, việc chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện này của cấp sơ thẩm là có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định giữ nguyên phần này.
[6] Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Từ những phân tích nêu trên xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ nên chấp nhận.
[7] Xét lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phù hợp với những phân tích nêu trên và đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nên được chấp nhận.
[8] Xét kháng cáo của bị đơn không phù hợp với những phân tích nêu trên và đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nên không có căn cứ chấp nhận.
[9] Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016 UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Do kháng cáo của các bị đơn không được chấp nhận nên các bị đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Án phí dân sự sơ thẩm cấp sơ thẩm đã áp dụng đúng quy định của pháp luật nên giữ nguyên.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ khoản 4 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 38, khoản 4 Điều 68, Điều 77, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Căn cứ Khoản 1 Điều 745, Điều 746, Điều 747, Điều 754 Bộ luật dân sự 1995;
- Căn cứ Điều 55, Điều 202, khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ;
- Căn cứ khoản 1 Điều 7, khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 11 Nghị định 70 – CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ quy định về án phí, lệ phí Tòa án; Luật Thi hành án dân sự,
- Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn là bà Phan Thị Mỹ H1 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Truyền thông giáo dục và giải trí PT (tên cũ là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT)
Giữ nguyên bản án sơ thẩm;
1. Chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn đối với Bị đơn Phan Thị Mỹ H1:
Công nhận ông Lê Phong L là tác giả duy nhất của hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R trong bộ truyện tranh E từ tập 01 đến tập 78 theo các Giấy chứng nhận bản quyền tác giả số 246/2002/QTG, 247/2002/QTG, 248/2002/QTG, 249/2002/QTG đã được Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 07 tháng 5 năm 2002 cho Chủ sở hữu tác phẩm là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT (tên hiện nay là Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và giải trí PT).
Ông Lê Phong L được quyền liên hệ Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được ghi nhận là tác giả duy nhất đối với các tác phẩm nêu trên theo quy định của pháp luật.
2. Chấp nhận 01 phần các yêu cầu của Nguyên đơn đối với Bị đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT (tên hiện nay là Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và giải trí PT):
Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng các biến thể của hình thức thể hiện của các nhân vật O, Q, P, R trên các tập tiếp theo từ tập 79 của truyện tranh E cũng như trên các ấn bản khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật.
Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT phải xin lỗi ông Lê Phong L trên Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ trong 03 số liên tiếp với nội dung như sau:
Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT xin lỗi ông Lê Phong L (bút danh Lê L) do đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả của ông L đối với hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R.
Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT thanh toán cho ông Lê Phong L chi phí thuê luật sư là 15.000.000 đồng.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
3. Không chấp nhận phần yêu cầu của Nguyên đơn về việc yêu cầu Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT thanh toán cho ông Lê Phong L chi phí thuê luật sư là 5.000.000 đồng.
4. Các đương sự thi hành ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
5. Bà Phan Thị Mỹ H1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 50.000 đồng. Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 850.000 đồng. Ông Lê Phong L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 250.000 đồng, nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp theo các Biên lai thu tiền tạm ứng án phí của Thi hành án dân sự Quận 1 gồm biên lai số 004963 ngày 15/10/2008 là 50.000 đồng, biên lai số 005000 ngày 20/10/2008 là 500.000 đồng và các Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án của Chi Cục thi hành án dân sự Quận 1 gồm biên lai số 0007111 ngày 11/02/2019 là 50.000 đồng, biên lai số 0007112 là 50.000 đồng. Ông L đã nộp đủ án phí dân sự sơ thẩm và được hoàn lại số tiền chênh lệch là 400.000 đồng.
6. Án phí dân sự phúc thẩm: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT (tên hiện nay là Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và giải trí PT) và bà Phan Thị Mỹ H1 mỗi đương sự phải chịu án phí dân sự phúc thẩm 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo các biên lai thu số 0007198 ngày 06/3/2019 và 0007221 ngày 11/3/2019 của Chi cục Thi hành án Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
+ Cấp xét xử: giám đốc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tối cao.
+ Kết quả giải quyết:
- Hủy bản án dân sự phúc thẩm và hủy bản án dân sự sơ thẩm.
- Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.
+ Cấp xét xử: sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn.
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 18/2016/KDTM-ST NGÀY 12/05/2016 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Ngày 12 tháng 05 năm 2016, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 27/2015/TLST–KDTM ngày 06 tháng 10 năm 2015 về Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 62/QĐXX-ST ngày 30 tháng 03 năm 2016 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty cổ phần H
Trụ sở: phố HT, quận HK, thành phố Hà Nội.
Đại diện theo ủy quyền: ông Vũ Tuấn A. (theo Giấy ủy quyền số 12/2015/GUQ-HVG ngày 08/05/2015 của Chủ tịch HĐQT và Giấy ủy quyền số 13/2015/GUQ-HVG ngày 09/05/2015 của Tổng giám đốc).
Luật sư Đậu Thị Thúy H - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
Bị đơn: Công ty TNHH M
Trụ sở: phố LĐ, quận HBT, thành phố Hà Nội.
Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Khắc H - Giám đốc.
NHẬN THẤY
Công ty cổ phần H do ông Vũ Tuấn A đại diện trình bày:
Ngày 2/12/2004 Công ty CP H (Công ty CP H) nộp đơn tới Cục sở hữu trí tuệ để đăng ký nhãn hiệu hàng hoá đối với nhãn hiệu “ F”.
Ngày 06/07/2006 Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 6/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 7 có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn, nội dung: Mẫu nhãn hiệu: F. Mầu sắc nhãn hiệu: Vàng cam tươi. Loại nhãn hiệu: Thông thường. Trong các nhóm danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu có Nhóm 39: Dịch vụ Du lịch.
Giấy chứng nhận đã được gia hạn đến ngày 02/12/2024 (theo Quyết định gia hạn số 2/QĐ-SHTT ngày 16/05/2014).
Qua tìm hiểu thông tin, Công ty CP H được biết Công ty TNHH M (Công ty M) đã sử dụng nhãn hiệu “F” trong nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch mà Công ty CP H đã đăng ký quyền sở hữu công nghiệp và được pháp luật bảo hộ, cụ thể:
- Biển hiệu (dán trên cửa kính) tại địa chỉ số phố ĐDT, phường HB, quận HK, Hà Nội có ghi: Công ty TNHH M.
- Trang Web: www.f.com.vn đã sử dụng nhãn hiệu “F” .
- Tờ quảng cáo dịch vụ du lịch ( tour, cho thuê xe máy), card visite, bản đồ du lịch của Công ty có sử dụng nhãn hiệu F travel và có ghi trang web: www.ftravel.com.vn.
Cuối năm 2014 đầu năm 2015 Công ty CP H đã nhiều lần gửi công văn tới Công ty M yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng Công ty M không có ý kiến phản hồi và từ chối nhận. Công văn cuối cùng gửi ngày 2/4/2015 đã được Công ty M nhận ngày 3/4/2015.
Ngày 7/7/2015 Công ty CP H có đơn khởi kiện yêu cầu Công ty M:
- Buộc chấm dứt sử dụng nhãn hiệu F trong nhóm sản phẩm/dịch vụ: Dịch vụ du lịch.
- Buộc xin lỗi và cải chính công khai về việc sử dụng nhãn hiệu F trong nhóm sản phẩm/dịch vụ: Dịch vụ du lịch.
- Buộc tiêu hủy card visite, tờ quảng cáo, bản đồ du lịch, tháo bỏ biển hiệu có sử dụng nhãn hiệu F trong nhóm sản phẩm/dịch vụ: Dịch vụ du lịch.
Ngày 15/12/2015 Công ty CP H trình bày:
Phải đăng lời xin lỗi, cải chính trên báo của cơ quan trung ương là Báo Nhân dân và báo địa phương là báo Hà Nội Mới nơi có địa chỉ chính của Công ty CP H trong ba số liên tiếp và gửi cho Công ty CP H các số báo đã đăng và phải chịu chi phí đăng báo. Công ty M phải thực hiện thay đổi tên công ty viết bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài, tên viết tắt không xâm phạm nhãn hiệu. Toà ấn định số tiền bồi thường thiệt hại vật chất mà Công ty M phải thanh toán cho Công ty CP H theo qui định của Luật. Công ty M thanh toán thù lao luật sư của Công ty CP H số tiền là 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Khắc H giám đốc Công ty TNHH M trình bày:
Công ty thành lập từ năm 2008 với tên gọi Công ty TNHH M để kinh doanh các lĩnh vực về du lịch, cho thuê xe…Cũng từ năm 2008 công ty sử dụng tên F Travel để xây dựng thương hiệu riêng đã được đông đảo các đối tác và khách hàng biết đến. Từ đó đến nay không hề có tranh chấp tên thương mại này với bất kỳ bên nào. Đến tháng 3/2015 công ty chính thức làm thủ tục đổi tên thành Công ty TNHH M và được Sở kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội cấp đăng ký mới ngày 17/03/2015. Hiện công ty đang làm thủ tục để xin đăng ký quyền sở hữu tên thương mại F Travel với Cục Sở hữu trí tuệ.
Công ty chỉ nhận được duy nhất công văn ngày 1/4/2015 có ghi gửi Công ty TNHH M, nhưng lúc đó công ty đã đổi tên thành.
Công ty mong muốn gặp gỡ làm việc với Công ty cổ phần H để giải quyết vấn đề liên quan đến tên thương mại F Travel với tinh thần thiện chí, hợp tác.
Tại phiên toà:
Công ty CP H vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và các ý kiến trình bày về căn cứ khởi kiện. Công ty trình bày xin rút lại các ý kiến nêu trong đơn ngày 15/12/2015 về việc Công ty M phải thay đổi tên, bồi thường thiệt hại vật chất và thanh toán thù lao luật sư với lý do việc chứng minh thiệt hại vật chất cần phải có thời gian thu thập, khi nào có đủ điều kiện sẽ khởi kiện sau. Về ý kiến đề nghị hoà giải của ông Hùng thì thực tế giám đốc hai bên đã nhiều lần gặp nhau nhưng không giải quyết được chỉ nhằm kéo dài hành vi vi phạm.
XÉT THẤY
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà ; Sau phần trình bày của đương sự và ý kiến luật sư tại phiên toà; Hội đồng xét xử nhận định:
* Về thủ tục tố tụng:
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn số 555/VKS-P10 ngày 29/3/2016 với quan điểm: Sau khi nghiên cứu hồ sơ nhận thấy vụ án không do toà án tiến hành thu thập chứng cứ và không thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà theo qui định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự nên Toà án giải quyết theo thẩm quyền.
Quyết định mở phiên toà đã được tống đạt hợp lệ đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH M nhưng ông Nguyễn Khắc H giám đốc công ty vắng mặt lần thứ ba không lý do. Căn cứ các Điều 199, 202 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn theo qui định.
* Về nội dung:
Công ty CP H khởi kiện và xuất trình các chứng cứ chứng minh Công ty TNHH M đã sử dụng nhãn hiệu “F” trong nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch mà Công ty CP H đã đăng ký quyền sở hữu công nghiệp và được pháp luật bảo hộ, như sau:
- Biển hiệu tại địa chỉ phố ĐDT, phường HB, quận HK, Hà Nội ghi Công ty TNHH M.
- Sử dụng nhãn hiệu “F” trên trang Web: www.Ftravel.com.vn.
- Tờ quảng cáo dịch vụ du lịch ( tour, cho thuê xe máy), card visite, bản đồ du lịch sử dụng nhãn hiệu: F travel và có ghi trang Web: www.Ftravel.com.vn
Công ty CP H cho rằng khi phát hiện những vi phạm trên đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “F” nhưng Công ty TNHH M không có phản hồi và không chấm dứt hành vi vi phạm.
Tại phiên toà, Công ty CP H trình bày rút lại các ý kiến nêu trong đơn ngày 15/12/2015 về việc Công ty TNHH M phải thay đổi tên, bồi thường thiệt hại vật chất và thanh toán thù lao luật sư. Do những nội dung này chỉ là ý kiến nguyên đơn nêu ra trong quá trình giải quyết nay đã rút lại nên Hội đồng xét xử không đề cập xem xét.
Căn cứ tài liệu chứng cứ trong hồ sơ thể hiện Công ty CP H đã đăng ký quyền sở hữu công nghiệp và được pháp luật bảo hộ nhãn hiệu “F” đối với các nhóm danh mục sản phẩm/ dịch vụ, trong đó có nhóm Dịch vụ du lịch được qui định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hành hoá số 7 ngày 6/7/2006 của Cục sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và công nghệ. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá đã được gia hạn đến ngày 2/12/2024. Như vậy theo qui định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì Công ty CP H là chủ thể đang trong thời hạn được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “F” với nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch.
Quá trình giải quyết, ông Nguyễn Khắc H giám đốc Công ty TNHH M không có ý kiến phản bác đối với các chứng cứ mà Công ty CP H đưa ra. Ông H khai từ năm 2008 công ty đã sử dụng tên F Travel để xây dựng thương hiệu riêng đã được đối tác và khách hàng biết đến, đến nay không có tranh chấp về tên thương mại này. Đến tháng 3/2015 công ty làm thủ tục đổi tên thành Công ty TNHH M đã được cấp đăng ký mới ngày 17/03/2015. Ông H khai muốn hoà giải và nếu có sai phạm sẽ chủ động chấm dứt.
Tuy nhiên, tại phiên toà đại diện nguyên đơn cho rằng thực tế giám đốc hai bên đã nhiều lần gặp nhau nhưng Công ty TNHH M vẫn vi phạm. Ông H cho rằng hiện đang làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu tên thương mại F Travel nhưng đến hiện tại thì Công ty TNHH M không có tài liệu chứng cứ gì về việc đã được pháp luật bảo hộ cho sản phẩm có dấu hiệu “F”. Các chứng cứ Công ty CP H nêu trên thể hiện Công ty TNHH M hiện vẫn đang sử dụng dấu hiệu “F” trên các phương tiện trong quá trình kinh doanh.
Theo qui định tại điểm c khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ; Điều 5, Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 thì việc Công ty TNHH M trong quá trình hoạt động kinh doanh có sử dụng dấu hiệu F mà Công ty CP H là chủ thể đang trong thời hạn được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp để gắn vào tên gọi, biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện quảng cáo kinh doanh, có cùng kênh tiêu thụ dịch vụ du lịch, là có dấu hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “F” mà Công ty CP H đang được pháp luật bảo hộ.
Như vậy các chứng cứ mà nguyên đơn đưa ra để chứng minh bị đơn có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “F” mà nguyên đơn được bảo hộ theo qui định của Luật sở hữu trí tuệ là có căn cứ.
Từ phân tích trên, các nội dung khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn là có căn cứ được chấp nhận là:
Chấm dứt hành vi sử dụng nhãn hiệu F trong nhóm sản phẩm: Dịch vụ du lịch. Buộc tiêu hủy card visite, tờ quảng cáo, bản đồ du lịch, tháo bỏ biển hiệu có sử dụng nhãn hiệu F trong nhóm sản phẩm: Dịch vụ du lịch. Chấm dứt sử dụng nhãn hiệu F trong nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch trong tên trang web www.Ftravel.com.vn và trong trang web này.
Buộc đăng lời xin lỗi và cải chính công khai về việc sử dụng nhãn hiệu F của Công ty CP H trong nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch trên báo Nhân dân và Hà Nội Mới trong 3 số liên tiếp.
Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Vì các lẽ trên,
Áp dụng:
QUYẾT ĐỊNH
- Điều 29; Điều 34; Điều 131; Điều 199; Điều 202; Điều 245- Bộ luật tố tụng dân sự.
- Điều 751; Điều 752- Bộ luật dân sự.
- Điều 121; Điều 123; Khoản 5 Điều 124; khoản 1 Điều 125; khoản 1Điều 129; Điều 198; Điều 199; Điều 200; Điều 202; Điều 203- Luật sở hữu trí tuệ.
- Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định và hướng dẫn thi hành Luật sở hữu trí tuệ và Nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 sửa đổi bổ sung Nghị định 105/2006/NĐ-CP.
- Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL- BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 hướng dẫn áp dụng một số qui định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại toà án nhân dân.
- Pháp lệnh án phí, lệ phí toà án.
Xử:
1. Chấp nhận khởi kiện của Công ty cổ phần H đối với Công ty TNHH M như sau:
Công ty TNHH M phải chấm dứt các hành vi sử dụng nhãn hiệu “ F” trong nhóm sản phẩm: Dịch vụ du lịch.
2. Buộc Công ty TNHH M phải thực hiện các hành vi sau:
- Tiêu hủy card visite, tờ quảng cáo, bản đồ du lịch, tháo bỏ biển hiệu có sử dụng nhãn hiệu F trong nhóm sản phẩm: Dịch vụ du lịch.
- Chấm dứt sử dụng nhãn hiệu F trong nhóm sản phẩm: Dịch vụ du lịch trong tên trang web www.Ftravel.com.vn và trong trang web này.
- Đăng lời xin lỗi và cải chính công khai đối với Công ty cổ phần H về việc sử dụng nhãn hiệu “F” của Công ty cổ phần H trong nhóm sản phẩm: Dịch vụ du lịch trên báo Nhân dân và báo Hà Nội Mới trong 3 số liên tiếp.
3. Án phí:
Công ty TNHH M chịu 2.000.000đ (Hai triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn trả số tiền 2.000.000đ (Hai triệu đồng) tạm ứng án phí cho Công ty cổ phần H theo biên lai thu tiền số 4666 ngày 28/7/2015 tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.
Án xử công khai sơ thẩm có mặt nguyên đơn, vắng mặt bị đơn. Nguyên đơn được kháng cáo trong thời hạn 15 ngày từ ngày tuyên án. Bị đơn được kháng cáo trong thời hạn 15 ngày từ ngày được tống đạt bản án.
+ Cấp xét xử: Tòa án nhân dân tối cao.
+ Cơ quan xét xử: giám đốc thẩm.
+ Kết quả giải quyết:
- Hủy bản án dân sự phúc thẩm và hủy bản án dân sự sơ thẩm.
- Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
+ Cấp xét xử: sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân TP Hà Nội.
+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 28/2019/KDTM-ST NGÀY 24/07/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TÊN MIỀN
Trong ngày 24/7/2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 39/2018/KTST ngày 17/12/2018 về việc “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về tên miền” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 230/2019/QĐXXST-KDTM ngày 20/6/2019, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: OSR GMBH Trụ sở: Marcel-Breuer-StraBe .., D- 80807 Munich, G; Người đại diện theo ủy quyền: ông Mai Duy L và ông Bạch Hoàng G (địa chỉ tầng .... và .... Tòa nhà Harec, ... Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội (theo Giấy chỉ định đại diện ngày 03/8/2018) (ông L và ông G có mặt tại phiên tòa).
Người bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Lê Xuân L- Công ty Luật TNHH T&G (ông L có mặt tại phiên tòa).
Bị đơn: ông Nguyễn Đức T Địa chỉ: số ..... Đại Cồ Việt, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội;
Người đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Thanh H, bà Nguyễn Thị T và bà Nguyễn Thị Hồng D (địa chỉ liên hệ Công ty Luật TNHH SB L, tầng ... CBHC, số ..... phố Vũ Trọng Phụng, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, theo Giấy ủy quyền ngày 12/3/2019) (ông H và bà D có mặt tại phiên tòa, bà T vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Osr.. GMBH (sau đây gọi là nguyên đơn) thuộc tập đoàn O Licht Group, được thành lập từ ngày 01/01/1919 tại Berlin, Đức. Nguyên đơn được biết đến là nhà sản xuất hệ thống chiếu sáng hàng đầu thế giới, thương hiệu uy tín. Nguyên đơn đã sử dụng nhãn hiệu OSR... ngay từ ngày đầu thành lập. Hiện nay, nhãn hiệu OSR... đã được đăng ký và bảo hộ tại hơn 150 quốc gia trên thế giới, trong đó có đăng ký sớm nhất vào năm 1906, chỉ định Việt Nam vào năm 1966. Một số đăng ký nhãn hiệu OSR... của nguyên đơn tại Việt Nam gồm:
Nhãn hiệu |
Số đăng ký quốc tế |
Ngày đăng ký |
Thời hạn hiệu lực (khi chưa gia hạn) |
Sản phẩm/dịchvụ |
OSR... |
676932 |
16/04/1997 |
16/04/2027 |
01, 04, 06, 07, 09, 10, 11, 14, 17, 21, 28, 42. |
OSR... |
567593 |
15/02/1991 |
15/02/2021 |
06, 07, 08, 09, 10, 11, 17, 21. |
|
325028 |
07/11/1966 |
07/11/2026 |
01, 09, 10, 11. |
|
774581 |
13/11/2001 |
13/11/2021 |
07, 09, 10 , 12, 25, 28, 35, 37, 42. |
|
777318 |
22/02/2002 |
22/02/2022 |
09, 10, 11. |
Nhãn hiệu OSR... đã được thừa nhận và công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam và được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Áo, Bồ Đào Nha, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Tại Việt Nam, nhãn hiệu OSR... nói riêng và sản phẩm của nguyên đơn nói chung đã được phổ biến rộng rãi và được người tiêu dùng biết đến, sử dụng. Với sự phổ biến rộng rãi cũng như uy tín và chất lượng hàng đầu của các sản phẩm mang nhãn hiệu OSR... trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, nhãn hiệu OSR... là nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại khoản 20 Điều 4 và Điều 75 Luật sở hữu trí tuệ (sau đây viết tắt là Luật SHTT).
Theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 Luật SHTT, với tư cách là chủ sở hữu nhãn hiệu, nguyên đơn có độc quyền sử dụng và cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu OSR... đang được bảo hộ của mình. Mọi hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu đang được bảo hộ đều là hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu và/hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay, nguyên đơn sở hữu hơn 640 tên miền chứa nhãn hiệu OSR... và duy trì các website tại các tên miền này để thực hiện việc kinh doanh trên toàn thế giới, bao gồm nhưng không giới hạn ở các Website chính thức tại địa chỉ tên miền .
Qua tra cứu, nguyên đơn được biết ông Nguyễn Đức T.. (sau đây gọi là bị đơn) đã đăng ký và đồng thời sử dụng các tên miền như dưới đây:
Tên miền |
Ngày đăng ký |
Ngày hết hạn |
Nhà đăng ký |
osr....com.vn |
03/03/2014 |
03/03/2019 |
Công ty TNHH PA VN |
osr....vn |
03/03/2014 |
03/03/2019 |
Công ty TNHH PA VN |
(Sau đây gọi chung là “các tên miền tranh chấp”).
Việc đăng ký và sử dụng các tên miền tranh chấp nêu trên của bị đơn là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật SHTT bởi các tên miền tranh chấp trùng/tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng OSR...: qua so sánh, dễ dàng nhận thấy rằng các tên miền và tương tự với nhãn hiệu OSR do tên miền chứa toàn bộ nhãn hiệu nổi tiếng OSR, theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 119/2010/NĐ-CP (sau đây gọi là “Nghị định 105”) quy định là một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Các tên miền tranh chấp đều chứa toàn bộ nhãn hiệu nổi tiếng OSR... của nguyên đơn. Do đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 105 nêu trên thì các tên miền tranh chấp trùng với nhãn hiệu nổi tiếng OSR.... Các thành phần “www”, “.com.vn” và “.vn” không được xem là một thành phần phân biệt của tên miền. Các tên miền và đều chứa thành phần phân biệt là “OSR...”. Các thành phần “www”, “.com.vn” và “.vn” là yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải có của tên miền. Do đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 105, các yếu tố này không phải là một thành phần mang tính phân biệt của tên miền, không tạo nên sự khác biệt giữa tên miền và nhãn hiệu đang được bảo hộ. Vì vậy, các tên miền và là trùng với nhãn hiệu OSR ..của nguyên đơn.
Website do các tên miền dẫn đến gây nhầm lẫn cho công chúng về mối quan hệ giữa bị đơn và nguyên đơn, bên cạnh việc đăng ký các tên miền trùng với nhãn hiệu nổi tiếng OSR.., bị đơn còn sử dụng các tên miền để xây dựng các Website qua đó thực hiện việc kinh doanh, cung cấp dịch vụ tương tự với sản phẩm/dịch vụ mà nhãn hiệu OSR.. đăng ký bảo hộ. Bị đơn hiện nay là giám đốc của Công ty cổ phần thương mại thiết bị ĐHN (sau đây viết tắt là Công ty ĐHN) là Công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm chiếu sáng như bóng đèn. Bị đơn đã và đang xây dựng, kinh doanh, quản trị hoạt động các Website mà các tên miền tranh chấp dẫn tới để quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm chiếu sáng của nhiều thương hiệu khác nhau dưới tên Công ty ĐHN.
Việc bị đơn xây dựng và quản lý các Website mà các tên miền tranh chấp dẫn tới để phục vụ cho hoạt động kinh doanh trùng/tương tự với sản phẩm/dịch vụ được đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu OSR... hoàn toàn có thể khiến người tiêu dùng khi truy cập vào các trang Website này nhầm lẫn nguyên đơn là chủ sở hữu các Website này hoặc chủ sở hữu các Website này có mối liên hệ với nguyên đơn. Các tên miền và phải được xem là trùng với nhãn hiệu OSR... của nguyên đơn. Bị đơn với tư cách là người đăng ký tên miền trong vụ việc này trên thực tế không có bất kỳ quyền và lợi ích hợp pháp nào liên quan đến nhãn hiệu OSR... cũng như các tên miền tranh chấp. Nguyên đơn chưa bao giờ cho phép bị đơn được sử dụng nhãn hiệu OSR trong các tên miền nêu trên. Nhãn hiệu OSR... được bảo hộ tại Việt Nam với chủ sở hữu là Công ty OSR... từ năm 1991, gần 23 năm trước khi bị đơn đăng ký các tên miền tranh chấp. Như vậy, rõ ràng trước thời điểm các tên miền này được đăng ký, người tiêu dùng chỉ biết đến nhãn hiệu OSR... thuộc sở hữu của nguyên đơn liên quan đến các sản phẩm chiếu sáng. Do nhãn hiệu OSR... là nhãn hiệu nổi tiếng nên bị đơn không thể không biết đến nhãn hiệu OSR... khi đăng ký các tên miền tranh chấp. Bị đơn đăng ký và chiếm giữ các tên miền kể trên không thuộc bất cứ trường hợp nào được quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 72.
Bị đơn thực hiện việc kinh doanh sản phẩm chiếu sáng của nguyên đơn hoặc sử dụng các tên miền với dụng ý xấu nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và làm tổn hại đến nhãn hiệu nổi tiếng OSR... để thu lời bất chính. Với việc sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng OSR... gắn liền với website cũng như kinh doanh sản phẩm chiếu sáng của nguyên đơn tại website, bị đơn có thể khiến người tiêu dùng sẽ bị nhầm lẫn nguyên đơn là chủ sở hữu các tên miền, gây tổn thất nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của nguyên đơn, gây nhầm lẫn cho các đối tác, bạn hàng của nguyên đơn và người tiêu dùng nói chung. Hành vi này phải bị xử lý theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
Tên miền có tính duy nhất, việc bị đơn đăng ký các tên miền tranh chấp nên nguyên đơn không thể đăng ký các tên miền này, đây là hành vi chiếm giữ quyền sử dụng tên miền với dụng ý xấu theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định 72 và điểm d khoản 1 Điều 130 Luật SHTT. Các tên miền tranh chấp đang phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Công ty ĐHN. Việc sử dụng tên miền để quảng bá cho dịch vụ của các Công ty khác là minh chứng cho hành vi cố ý thu lời bất chính. Việc sử dụng các nhãn hiệu của đối thủ cạnh tranh của bị đơn là hành vi cố ý gây tổn hại đến danh tiếng và uy tín của nguyên đơn.
Tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật SHTT quy định hành vi “đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 72 quy định căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền theo yêu cầu của nguyên đơn:
a) Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của nguyên đơn; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà nguyên đơn là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp;
b) Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó;
c) Bị đơn cho thuê hay chuyển giao tên miền cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ trùng hoặc giống đến mức gây nhầm lẫn với tên miền đó; cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính;
d) Bị đơn chiếm dụng, ngăn cản không cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ đó nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;
đ) Bị đơn sử dụng tên miền để hủy hoại danh tiếng của nguyên đơn, cản trở hoạt động kinh doanh của nguyên đơn hoặc gây sự nhầm lẫn, gây mất lòng tin cho công chúng đối với tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;
e) Trường hợp khác chứng minh được việc bị đơn sử dụng tên miền vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
Như vậy, hành vi đăng ký và sử dụng các tên miền tranh chấp của bị đơn là hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật SHTT. Do đó, căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 130, khoản 1 Điều 202 Luật SHTT; khoản 2 Điều 16 Nghị định 72; khoản 1 Điều 12 và khoản 3 Điều 16 Thông tư 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 (sau đây viết tắt là Thông tư 24) quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên thu hồi các tên miền quốc gia và để ưu tiên cho nguyên đơn đăng ký và sử dụng, buộc bị đơn phải thực hiện các biện pháp để khắc phục một phần thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể:
- Bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn: hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền của bị đơn đã, đang và sẽ gây ra thiệt hại về vật chất cho nguyên đơn. Các thiệt hại bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập và lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh cũng như các chi phí khác mà nguyên đơn phải gánh chịu để ngăn chặn và khắc phục thiệt hại, căn cứ theo khoản 4 Điều 202 Luật SHTT, nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc bị đơn bồi thường chi phí ban đầu là 500.000.000 đồng đối với những thiệt hại mà nguyên đơn phải gánh chịu phát sinh từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh của bị đơn.
- Buộc bị đơn phải bồi thường chi phí hợp lý cho nguyên đơn số tiền là 200.000.000 đồng để thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định tại khoản 3 Điều 205 Luật SHTT.
- Buộc bị đơn phải xin lỗi công khai nguyên đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là đăng lời xin lỗi công khai trên báo điện tử www.vnexpress.net, báo điện tử www.dantri.com.vn và trên ba kỳ liên tiếp của Báo Tuổi tr về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Bị đơn do người đại diện ủy quyền trình bày:
Để được sử dụng tên miền “.vn” bị đơn phải đăng ký tại Nhà đăng ký tên miền “.vn” và chịu sự quản lý, giám sát, thúc đẩy phát triển bởi Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là đơn vị trực thuộc Bộ thông tin và truyền thông. Tên miền không phải là đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ mà thuộc đối tượng quản lý và điều chỉnh của Bộ thông tin và truyền thông về Internet.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 24 quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet “Đăng ký tên miền “.vn” được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước, ngoại trừ các tên miền thuộc phạm vi ưu tiên bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này.
Theo quy định trên bị đơn đã đăng ký tên miền quốc gia và trước, do đó bị đơn có quyền sử dụng trước. Việc nguyên đơn yêu cầu Tòa án thu hồi các tên miền quốc gia trên để ưu tiên cho nguyên đơn đăng ký, sử dụng là không hợp lý.
Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 500.000.000 đồng, quan điểm của bị đơn nếu có phát sinh trách nhiệm bồi thường sẽ là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự. Trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện: có thiệt hại xảy ra, thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về tinh thần; Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm dân sự là những xử sự cụ thể của chủ thể được thực hiện thông qua hành động hoặc không hành động xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm làm những việc mà pháp luật cấm, không làm những việc mà pháp luật buộc phải làm, thực hiện vượt quá giới hạn pháp luật cho phép hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ mà pháp luật quy định; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó và thiệt hại có mối quan hệ tất yếu có tính quy luật chứ không phải ngẫu nhiên. Thiệt hại sẽ là kết quả tất yếu của hành vi nếu trong bản thân hành vi cùng với những điều kiện cụ thể khi xảy ra chứa đựng một khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại. Việc nguyên đơn đòi bồi thường 500.000.000 đồng là không hợp lý, không có căn cứ cụ thể chứng minh bên nguyên đơn có thiệt hại trong vụ việc này.
Đối với yêu cầu buộc bị đơn thanh toán chi phí hợp lý mà nguyên đơn phải bỏ ra để thuê Luật sư do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra là 200.000.000 đồng. Theo quy định tại Điều 168 BLTTDS quy định chi phí cho người phiên dịch, Luật sư do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Vì thế chi phí Luật sư không phải là chi phí cần do đó nguyên đơn buộc bị đơn phải chi trả là không hợp lý.
Đối với yêu cầu buộc bị đơn công khai xin lỗi nguyên đơn trên báo điện tử www.vnexpress.net, báo điện tử www.dantri.com.vn và trên ba kỳ liên tiếp của Báo Tuổi tr về hành vi không lành mạnh, việc xin lỗi công khai là không hợp lý, do đó bị đơn không có nghĩa vụ này.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện ủy quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Nguyên đơn giữ nguyên các ý kiến đã trình bày tại đơn khởi kiện và các lời khai trong các buổi làm việc tại Tòa án. Các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đề nghị Tòa án thu hồi các tên miền tranh chấp do bị đơn đăng ký và sử dụng một cách trái với các quy định của pháp luật Việt Nam để ưu tiên cho nguyên đơn đăng ký và sử dụng. Riêng yêu cầu bồi thường thiệt hại, nguyên đơn rút một phần yêu cầu và đề nghị Tòa án buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn số tiền là 203.960.000 đồng bao gồm 200.000.000 đồng là phí thuê Luật sư và 3.960.000 đồng tiền lập vi bằng. Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu buộc bị đơn phải đăng tin công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Người đại diện ủy quyền của bị đơn trình bày: bị đơn đã đăng ký trước các tên miền tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên đơn không đăng ký các tên miền này nên không có quyền khởi kiện. Bị đơn cho rằng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ pháp luật vì đây là tranh chấp về tên miền, không phải là tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
Về yêu cầu của nguyên đơn về buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại, yêu cầu này không đúng với quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hai ngoài hợp đồng như đã phân tích tại các bản tự khai và ý kiến của bị đơn gửi cho Tòa án. Tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn cũng không đưa được ra các tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho thiệt hại của mình hay hành vi vi phạm pháp luật của bị đơn, nên bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đối với chi phí thuê Luật sư thì bên nào thuê bên đó phải chịu chi phí và bị đơn không vi phạm pháp luật nên không phải đăng tin công khai xin lỗi trên phương tiện đại chúng.
Đại diện viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: đây là tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về tên miền nên Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý và giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục sơ thẩm là đúng quy định tại điều 30, 37 và 39 BLTTDS.
Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án và tiến hành phiên tòa. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hôm nay, các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đã được tranh luận và trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Về nội dung: nguyên đơn đã có nhãn hiệu OSR... từ lâu đời và đã được đăng ký bản quyền tại hơn 150 quốc gia trên thế giới. Nguyên đơn đã đăng ký bản quyền và được bảo hộ lần đầu vào năm 1966 do đó phải hiểu đây là nhãn hiệu nổi tiếng và được bảo hộ tại Việt Nam. Nguyên đơn có quyền đăng ký tên miền mang tên OSR... vào bất cứ thời điểm nào, việc bị đơn đăng ký và sử dụng 02 tên miền có chứa đựng tên OSR... là nhãn hiệu nổi tiếng của nguyên đơn là vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là thu hồi các tên miền tranh chấp để ưu tiên cho nguyên đơn đăng ký và sử dụng. Buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn 3.960.000 đồng tiền lập vi bằng. Buộc bị đơn phải công khai xin lỗi nguyên đơn trên phương tiện thông tin đại chúng. Đối với khoản tiền 200.000.000 đồng là chi phí thuê Luật sư hiện nay mới chỉ có Hợp đồng dịch vụ pháp lý, khi nào nguyên đơn xuất trình được hóa đơn thể hiện nguyên đơn đã thanh toán số tiền này thì nguyên đơn có quyền khởi kiện bị đơn yêu cầu bồi thường trong một vụ án khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của các bên đương sự, Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Về thẩm quyền giải quyết vụ án: khoản 2 Điều 30, khoản 3 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 37, khoản 3 của Điều 38 BLTTDS thì Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý và giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục sơ thẩm là đúng thẩm quyền và phù hợp với quy định của pháp luật.
Xét các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên thu hồi các tên tranh chấp đang được đăng ký dưới tên bị đơn để ưu tiên cho nguyên đơn đăng ký, sử dụng. Hội đồng xét xử nhận thấy:
Nguyên đơn được thành lập từ năm ngày 01/01/1919 tại Berlin, Đức và đã sử dụng nhãn hiệu OSR... ngay từ những ngày đầu thành lập. Hiện nay, nhãn hiệu OSR... đã được đăng ký và bảo hộ tại hơn 150 quốc gia trên thế giới, trong đó có đăng ký sớm nhất vào năm 1906. Tại Việt Nam đăng ký lần đầu tiên vào năm 1966 theo các tài liệu thể hiện:
- Giấy xác nhận ngày 07/6/2018 của Cục sở hữu trí tuệ- Bộ khoa học công nghệ xác nhận nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam theo Đăng ký quốc tế số đăng ký quốc tế: 567593; Ngày đăng ký quốc tế: 15/2/1991; Chủ sở hữu đăng ký quốc tế: OSR... GmbH; Địa chỉ: Marcel- Breuer-StraBe 6, D- 80807 Munich, Germany; Có hiệu lực đến ngày 15/2/2021; Nội dung bảo hộ: OSR...; Danh mục hàng hóa (xếp theo Bảng phân loại quốc tế); Nhóm 06, 07, 08, 09, 10, 11, 17 và 21 (danh mục cụ thể trong Đăng ký quốc tế kèm theo).
- Giấy xác nhận ngày 07/6/2018 của Cục sở hữu trí tuệ- Bộ khoa học công nghệ xác nhận nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam theo Đăng ký quốc tế số đăng ký quốc tế: 676932; Ngày đăng ký quốc tế: 16/4/1997; Chủ sở hữu đăng ký quốc tế: OSR.. GmbH; Địa chỉ: Marcel- Breuer-StraBe 6, D- 80807 Munich, Germany; Có hiệu lực đến ngày 16/4/2027; Nội dung bảo hộ: OSR...; Danh mục hàng hóa (xếp theo Bảng phân loại quốc tế); Nhóm: 01, 04, 06, 07, 09, 10, 11, 14, 17, 21, 28 và 42 (danh mục cụ thể trong Đăng ký quốc tế kèm theo).
- Giấy xác nhận ngày 07/6/2018 của Cục sở hữu trí tuệ- Bộ khoa học công nghệ xác nhận nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam theo Đăng ký quốc tế số đăng ký quốc tế: 777318; Ngày đăng ký quốc tế: 22/2/2002; Chủ sở hữu đăng ký quốc tế: OSR ...GmbH; Địa chỉ: Marcel- Breuer-StraBe 6, D- 80807 Munich, Germany; Có hiệu lực đến ngày 22/2/2022; Nội dung bảo hộ: OSR...; Nội dung khác: nhãn hộ được bao hộ tổng thể. Không bảo hộ riêng hình bóng đèn. Danh mục hàng hóa (xếp theo Bảng phân loại quốc tế); nhóm: 09, 10 và 11 (danh mục cụ thể trong Đăng ký quốc tế kèm theo).
- Giấy xác nhận ngày 07/6/2018 của Cục sở hữu trí tuệ- Bộ khoa học công nghệ xác nhận nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam theo Đăng ký quốc tế số đăng ký quốc tế: 325028; Ngày đăng ký quốc tế: 07/11/1966; Chủ sở hữu đăng ký quốc tế: OSR... GmbH; Địa chỉ: Marcel- Breuer-StraBe 6, D- 80807 Munich, Germany; có hiệu lực đến ngày 07/11/2026; Nội dung bảo hộ: OSR...; Danh mục hàng hóa (Xếp theo Bảng phân loại Quốc tế); Nhóm: 01,09,10,11 (danh mục cụ thể trong Đăng ký quốc tế kèm theo).
- Giấy xác nhận ngày 07/6/2018 của Cục sở hữu trí tuệ- Bộ khoa học công nghệ xác nhận nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam theo Đăng ký quốc tế số đăng ký quốc tế: 774581; Ngày đăng ký quốc tế: 13/11/2001; Chủ sở hữu đăng ký quốc tế: OSR... GmbH; Địa chỉ: Marcel- Breuer- StraBe 6, D- 80807 Munich, Germany; có hiệu lực đến ngày 13/11/2021; Nội dung bảo hộ: OSR...; Màu sắc nhãn hiểu: Da cam; Danh mục hàng hóa (xếp theo Bảng phân loại quốc tế); Nhóm: 07, 09, 10, 11, 12, 25, 28, 35, 37 và 42 (danh mục cụ thể trong Đăng ký quốc tế kèm theo).
Theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 Luật SHTT, với tư cách là chủ sở hữu nhãn hiệu, nguyên đơn có độc quyền sử dụng và cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu OSR... đang được bảo hộ của mình. Mọi hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu đang được bảo hộ là hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu hoặc là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nguyên đơn sở hữu hơn 640 tên miền chứa nhãn hiệu OSR... và duy trì các Website tại các tên miền này để thực hiện việc kinh doanh trên toàn thế giới, bao gồm nhưng không giới hạn ở các Website chính thức tại địa chỉ tên miền . Việc bị đơn đăng ký và sử dụng các tên miền tranh chấp nhưng chưa được nguyên đơn cho phép sử dụng nhãn hiệu OSR... và bị đơn sử dụng các tên miền tranh chấp để xây dựng các Website qua đó thực hiện việc kinh doanh, cung cấp dịch vụ tương tự với sản phẩm/dịch vụ mà nhãn hiệu OSR... đăng ký bảo hộ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật SHTT. Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án thu hồi các tên miền tranh chấp để ưu tiên cho nguyên đơn đăng ký sử dụng là có căn cứ, phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 72 và khoản 1 Điều 130, khoản 1 Điều 202 Luật SHTT và khoản 3 Điều 16 Thông tư 24 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.
Xét các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường số tiền 3.960.000 đồng đối với những thiệt hại mà nguyên đơn phải gánh chịu phát sinh từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh (tiền lập vi bằng) theo quy định tại khoản 4 Điều 202 Luật SHTT và bồi thường số tiền 200.000.000 đồng chi phí hợp lý mà nguyên đơn đã bỏ ra để thuê Luật sư theo quy định tại khoản 3 Điều 205 Luật SHTT. Hội đồng xét xử nhận thấy, trong vụ án này hành vi của bị đơn đăng ký sử dụng các tên miền tranh chấp là cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật SHTT, hành vi của bị đơn là hành vi trái pháp luật do đó bị đơn có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn nếu có thiệt hại xảy ra.
Theo các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện, thì thiệt hại mà nguyên đơn phải chịu là 3.960.000 đồng tiền lập vi bằng theo Hợp đồng dịch vụ số 508/2018/HDDV.VB/TPLHĐ và 200.000.000 đồng tiền chi phí Luật sư theo Hợp đồng dịch vụ pháp lý lập ngày 12/7/2018. Nguyên đơn đã xuất trình được các tài liệu chứng cứ chứng minh cho các thiệt hại thực tế trên (có giấy chuyển tiền qua ngân hàng từ nguyên đơn cho Công ty TNHH T&G). Tổng số tiền thiệt hại nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường tại phiên tòa sơ thẩm là 203.960.000 đồng, Hội đồng xét xử có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.
Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải xin lỗi công khai nguyên đơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là đăng lời xin lỗi công khai trên báo điện tử www.vnexpress.net, báo điện tử www.dantri.com.vn và trên ba kỳ liên tiếp của Báo Tuổi tr về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Như đã phân tích trên, hành vi của bị đơn đăng ký sử dụng tên miền tranh chấp là hành vi trái pháp luật nên căn cứ vào khoản 2 Điều 202 Luật SHTT, Hội đồng xét xử thấy có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.
Về án phí: bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thảm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ:
QUYẾT ĐỊNH
- Khoản 2 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37, khoản 1 Điều 147, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Khoản 20 Điều 4, Điều 75, Điều 130, Điều 202 và Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ;
- Nghị quyết số 326/2016/UBNVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ quốc hội.
Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của OSR... GMBH về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về tên miền đối với ông Nguyễn Đức T...
2. Thu hồi tên miền quốc gia và của ông Nguyễn Đức T... đăng ký, sử dụng ngày 03/3/2014 tại Trung tâm Internet Việt Nam, Bộ thông tin truyền thông.
3. Ưu tiên cho OSR...GMBH đăng ký sử dụng trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật.
4. Buộc ông Nguyễn Đức T... phải bồi thường cho OSR.... GMBH tổng số tiền là 203.960.000 (hai trăm linh ba triệu chín trăm sáu mươi nghìn) đồng.
4. Buộc ông Nguyễn Đức T... phải đăng lời xin lỗi công khai OSR... BMBH trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là trên báo điện tử www.vnexpress.net, báo điện tử www.dantri.com.vn và trên ba kỳ liên tiếp của Báo Tuổi tr .
Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án có các quyền thoả thuận, yêu cầu, tự nguyện hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
5. Về án phí:
- Ông Nguyễn Đức T.... phải chịu 10.198.000 (mười triệu một trăm chín mươi tám nghìn) đồng tiền án phí kinh doanh kinh thương mại sơ thẩm.
- Trả lại OSR.... GMBH số tiền tạm ứng 16.000.000 (mười sáu triệu) đồng tại biên lai số 6106 ngày 30/11/2018 tại Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội.
Án xử công khai, các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Viện kiểm sát có quyền kháng nghị vụ án theo quy định của pháp luật.
+ Cấp xét xử: sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân TP Hà Nội.
+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 36/2018/KDTM-ST NGÀY 19/10/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Trong các ngày 16/10/2018 và 19/10/2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý 01/2018/TLST-KDTM ngày 22/01/2018 về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 366/2018/QĐXXST-KDTM ngày 28/8/2018, giữa:
Nguyên đơn: PC
Trụ sở: VRP 25, 56025 Po (Pisa), I; Người đại diện theo ủy quyền: ông Mai Duy L và ông Bạch Hoàng G (địa chỉ: phòng 5, tầng 15, tòa nhà Harec Building, số 4A phường TC, quận BĐ, TP HN, theo giấy bổ nhiệm ngày 28/7/2017) (ông L và ông G có mặt tại phiên tòa).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn: Luật sư Lê Xuân L và Luật sư Nguyễn Huy T, Công ty TNHH T&G, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội (ông T vắng mặt, ông L có mặt tại phiên tòa).
Bị đơn: Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D
Trụ sở: tòa nhà D, số 8 đường TTT, phường MĐ2, quận NTL, TP HN; Người đại diện theo ủy quyền: bà Nguyễn Thị H, bà Phạm Ngọc T (địa chỉ: ô 8, tầng 4, tháp C, toà nhà D2 GV, quận BĐ, TP HN, theo Giấy ủy quyền số 353/D ngày 08/10/2018) (bà H vắng mặt và bà T có mặt tại phiên tòa).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và lời khai quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn trình bày như sau: P & C.S.P.A (sau đây gọi tắt là Nguyên đơn) được thành lập từ năm 1884, có trụ sở tại Y và hiện là nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xe hai bánh. Nguyên đơn cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2012, Nguyên đơn đi vào hoạt động nhà máy sản xuất động cơ xe tay ga tại Vĩnh Phúc với kỳ vọng đưa Việt Nam là điểm phân phối hệ thống xe máy hạng sang cho thị trường ĐNA.
Trong số những sản phẩm được phát triển và sản xuất bởi Nguyên đơn, dòng xe tay ga “P” là một trong những dòng xe bán chạy nhất. Trên thực tế, kiểu dáng sản phẩm “P” là kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652 (sau đây viết tắt là Văn bằng số 20652) được Cục sở hữu trí tuệ chính thức cấp theo Quyết định số 11839/QĐ- SHTT ngày 27/02/2015 có hiệu lực từ ngày cấp cho đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ (sau đây viết tắt là Luật SHTT).
Theo quy định của pháp luật, Nguyên đơn có độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật SHTT. Các hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp được quy định rõ tại khoản 2 Điều 124 Luật SHTT là sử dụng kiểu dáng công nghiệp bao gồm nhưng không giới hạn bởi việc sản xuất, lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng được bảo hộ hoặc không khác biệt với kiểu dáng được bảo hộ. Do đó, mọi hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp không khác biệt với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ mà không được Nguyên đơn cho phép đều là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 126 Luật SHTT.
Theo Nguyên đơn được biết, Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ Detech (sau đây gọi tắt là Bị đơn) đã sản xuất và phân phối sản phẩm xe máy điện ra thị trường. Bị đơn cũng đã và đang thực hiện hành vi quảng cáo sản phẩm xe máy điện nêu trên tại trang thông tin điện tử của mình tại địa chỉ (http://detechmotor.com.vn/vn-vi/san-pham/chi-tiet/espero-vs-do/2045.html). Tên miền hiện cũng được sở hữu và quản lý bởi Bị đơn.
Nguyên đơn nhận thấy kiểu dáng xe máy điện của Bị đơn không khác biệt đáng kể với kiểu dáng “XE MÁY” đang được bảo hộ tại Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn cụ thể:
Về mặt tổng thể không có khác biệt đáng kể về kiểu dáng xe điện của Bị đơn được coi là bản sao của kiểu dáng được bảo hộ trong Văn bằng số 20652 với phần đầu xe nhô cao, đèn pha hình tròn nhô về phía trước, phần yếm dẹt và mở rộng đều sang hai bên, chỗ để chân rộng và thấp, phần đuôi to và thon dần về phía sau. Không chỉ hình dạng mà cách bố trí và tỷ lệ kích thước giữa các bộ phận của hai kiểu dáng cũng tương tự nhau. Sự không khác biệt đáng kể về mặt tổng thể được thể hiện rõ trên các hình vẽ và ảnh chụp.
Sự không khác biệt đáng kể trong tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản phương tiện giao thông thường có cấu tạo tương đối phức tạp nhưng về tổng thể có thể tạm chia thành ba phần chính, đó là phần phía trước, phần giữa và phần phía sau. Trong trường hợp này sự không khác biệt đáng kể giữa sản phẩm xe điện và kiểu dáng XE MÁY được thể hiện cụ thể như sau:
- Phần phía trước: bao gồm cụm tay lái, đèn trước, yếm xe, chắn bùn trước và bánh trước. Cả sản phẩm xe điện và kiểu dáng XE MÁY được bảo hộ đều có những điểm tương đồng.
- Phần giữa: bao gồm chỗ để chân cho người lái xe và người ngồi sau, ngăn để đồ phía trước, ổ khóa điện, đồng hồ hiển thị tất cả các chi tiết này của sản phẩm xe máy điện đều tương tự với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong Văn bằng số 20652.
- Phần phía sau: bao gồm yên xe, phần vỏ ốp phía sau, đèn hậu và một số chi tiết phụ. Đối với từng chi tiết này, có thể thấy một cách dễ dàng sự tương tự giữa sản phẩm xe điện và kiểu dáng XE MÁY được bảo hộ.
Kiểu dáng xe của Bị đơn không khác biệt đáng kể với kiểu dáng xe đang được bảo hộ của Nguyên đơn. Viện Khoa học và Sở hữu trí tuệ đã ra kết luận giám định số KD001-17YC/KLGĐ ngày 13/01/2017 kết luận kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Bị đơn là yếu tố xâm phạm quyền đối với Văn bằng số 20652.
Do đó, căn cứ vào khoản 1 Điều 126 Luật SHTT thì hành vi sản xuất và kinh doanh sản phẩm xe điện mang kiểu dáng như đã phân tích ở trên là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của Nguyên đơn.
Nguyên đơn đề nghị Tòa án giải quyết:
- Yêu cầu bị đơn chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 của nguyên đơn và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652, theo khoản 1 Điều 202 Luật SHTT;
- Yêu cầu Bị đơn loại bỏ, tiêu hủy các yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 trên các sản phẩm xe điện đã được sản xuất, bao gồm cả sản phẩm xe điện đang tồn kho cũng như đã được phân phối trên thị trường, theo khoản 1 Điều 202 Luật SHTT;
- Yêu cầu Bị đơn tiến hành thủ tục tại Cục đăng kiểm để hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cho xe máy mang kiểu dáng xâm phạm quyền đối với kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng số 20652;
- Yêu cầu Bị đơn bồi thường thiệt hại 500.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 205 Luật SHTT;
- Yêu cầu Bị đơn thanh toán chi phí hợp lý mà Nguyên đơn đã thuê Luật sư do hành vi xâm phạm quyền gây ra là 200.000.000 đồng theo Điều 202, khoản 3 Điều 205 Luật SHTT;
- Yêu cầu Bị đơn xin lỗi công khai Nguyên đơn trên báo điện tử www.vnexpress.net; báo điện tử www.dantri.com về hành vi xâm phạm quyền theo khoản 2 Điều 202 Luật SHTT.
Bị đơn do người đại diện hợp pháp trình bày:
Bị đơn được thành lập từ năm 1991, với định hướng chiến lược là doanh nghiệp đa ngành, trong đó có công nghệ kỹ thuật. Từ khi thành lập, Bị đơn đã đăng ký kinh doanh và được cấp phép thực hiện hoạt động sản xuất, lắp ráp xe máy và kinh doanh trên thị trường Việt Nam với các nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu như Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 44329 cho nhãn hiệu “D” nhóm 12; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 58518 cho nhãn hiệu “D”, Lo go nhóm 07 và 12; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 78192 cho nhãn hiệu “D”, logo nhóm 12; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 79438 cho nhãn hiệu “K” nhóm 12; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “E” nhóm 12; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Muchacha”, nhóm 12.
Năm 2013, trên cơ sở kinh nghiệm và tận dụng các hệ thống nhà xưởng, máy móc đang sở hữu, Bị đơn chuyển hướng mở rộng sang lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xe đạp điện, xe máy điện trên thị trường Việt Nam. Việc sản xuất xe máy điện, xe đạp điện của Bị đơn thực hiện đúng quy định của pháp luật về chức năng, ngành nghề kinh doanh pháp luật cho phép.
Trước khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện, Bị đơn đã tiến hành việc trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm xe máy điện mà Bị đơn định sản xuất, kinh doanh. Ngày 07/9/2016, Bị đơn được Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thuộc Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam tiến hành việc giám định và ban hành kết luận giám định sở hữu công nghiệp số KD054-16YC/KLGĐ với nội dung kết luận “Kiểu dáng” “Xe máy điện”, đối tượng giám định như thể hiện tại tài liệu giám định, không phải là bản sao của kiểu dáng công nghiệp xe máy, xe mô tô, xe Scutơ, xe đạp diện, xe máy điện đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Căn cứ kết luận giám định này, Bị đơn đã tiến hành việc sản xuất và đăng ký lưu hành đối với sản phẩm xe máy điện của mình.
Do vậy, Bị đơn có cơ sở khẳng định rằng, căn cứ khởi kiện của Nguyên đơn là không đúng và không có căn cứ. Đề nghị Tòa án bác bỏ toàn bộ các nội dung yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.
Tại phiên tòa sơ thẩm:
Đại diện nguyên đơn trình bày: Nguyên đơn giữ nguyên các trình bày trước đây về nội dung vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các điều 202, 204 và 205 Luật SHTT:
- Yêu cầu Bị đơn chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “XE MÁY” được bảo hộ tại Văn bằng số 20652;
- Yêu cầu Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo các mức bồi thường được điều chỉnh tại phiên tòa như sau: tiền thanh toán chi phí hợp lý mà nguyên đơn đã thuê Luật sư là 200.000.000 đồng; Tiền thiệt hại khác bao gồm tiền mua xe mẫu để mang đi giám định là 7.227.000 đồng, tiền lập Vi bằng của Thừa phát lại là 3.960.000 đồng và tiền giám định về sở hữu trí tuệ là 6.397.500 đồng. Tổng cộng là 217.584.500 đồng;
- Yêu cầu Bị đơn tiến hành thủ tục tại Cục đăng kiểm để hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cho xe máy mang kiểu dáng xâm phạm quyền đối với kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng số 20652;
- Yêu cầu Bị đơn phải đăng công khai xin lỗi trên báo Thanh Niên 3 số liên tiếp về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu Bị đơn loại bỏ, tiêu hủy các yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 trên các sản phẩm xe máy điện đã được sản xuất, bao gồm các sản phẩm xe máy điện đang tồn kho của Bị đơn và các xe hiện đang còn tại các đại lý bán hàng cho Bị đơn.
Đại diện bị đơn trình bày: Bị đơn cho biết hiện nay trong kho và các đại lý của Bị đơn không có chiếc xe điện nào tương tự chiếc xe hiện đang là vật chứng bị Nguyên đơn khởi kiện trong vụ kiện ngày hôm nay. Bị đơn cho rằng mẫu xe Nguyên đơn mua chưa đủ căn cứ để xác định đó là sản phẩm do Bị đơn sản xuất.
Bị đơn không nhất trí bồi thường cho Nguyên đơn và cho rằng các số liệu về bồi thường thiệt hại do Nguyên đơn đưa ra là không hợp lý như tiền Nguyên đơn thuê Luật sư để tham gia tố tụng là việc của các bên đương sự tham gia trong vụ án, không thể bắt bên kia phải chịu, còn các thiệt hại khác cũng không đủ cơ sở để chấp nhận.
Đối với yêu cầu buộc Bị đơn đăng bài công khai xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng, Bị đơn không nhất trí với yêu cầu khởi kiện này của Nguyên đơn.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TPHà Nội phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS) về thụ lý vụ án, tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự, tiến hành hòa giải, thu thập chứng cứ và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Từ khi thụ lý vụ án đến khi đưa vụ án ra xét xử là quá thời hạn xét xử nhưng do khách quan là phải thực hiện ủy thác tư pháp đối với Bị đơn.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký đã tiến hành đúng các thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa sơ thẩm.
Các đương sự và những người tham gia tố tụng khác đã chấp hành đúng các quy định tại Điều 70, 71, 72 và 234 của BLTTDS.
Về nội dung vụ án: tuy Bị đơn không thừa nhận là đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm mà Nguyên đơn đã được cấp giấp chứng nhận bảo hộ, tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu chứng cứ do Nguyên đơn cung cấp và đã làm rõ tại phiên tòa, có đủ căn cứ để cho rằng Bị đơn đã vi phạm pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.
Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng: căn cứ vào khoản 3 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 37, khoản 3 Điều 38, điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS, xác định đây là tranh chấp kinh doanh thương mại, thẩm quyền giải quyết vụ án “tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ” do vậy Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý và giải quyết là đúng thẩm quyền và phù hợp với quy định của pháp luật.
Về nội dung vụ án: kiểu dáng sản phẩm “P” là kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng số 20652, kiểu dáng công nghiệp này được Công ty P nộp đơn ngày 23/8/2013 và được Cục sở hữu trí tuệ chính thức cấp văn bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp theo Quyết định số 11839/QĐ- SHTT ngày 27/02/2015 và có hiệu lực từ ngày cấp cho đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật SHTT.
Như vậy, Nguyên đơn có độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của mình theo khoản 1 Điều 125 Luật SHTT. Mọi hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp không khác biệt với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ mà không được Nguyên đơn cho phép đều là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 126 Luật SHTT.
Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã ban hành Kết luận giám định số KD001-17YC/KLGĐ ngày 13/01/2017 và kết luận là kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Bị đơn là yếu tố xâm phạm quyền đối với Văn bằng số 20652. Căn cứ vào khoản 1 Điều 126 Luật SHTT thì hành vi sản xuất và kinh doanh sản phẩm xe máy điện của Bị đơn mang kiểu dáng như đã phân tích ở trên cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của Nguyên đơn. Hội đồng xét xử thấy đủ căn cứ xác định kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Bị đơn là xâm phạm quyền bảo hộ tại Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn.
Bị đơn cho rằng mẫu xe điện mang nhãn EVS mà Nguyên đơn thu được tại đại lý bán xe và mang đi giám định và là đối tượng xem xét trong vụ án này không phải là mẫu xe của Bị đơn sản xuất, tuy nhiên trong tại Vi bằng do Thừa phát lại lập đã thể hiện mẫu xe điện trên có số khung, số máy nêu trong hóa đơn giá trị gia tăng số 0001074 ngày 28/7/2017 của Công ty TNHH phát triển thương mại LA và Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng số 0176/XM-TT-801684/400/0199/VAQ06-01/16-00 ngày 01/3/2017 của Bị đơn và Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại số 0199/VAQ06-01/16-00 ngày 17/2/2017 của Cục đăng kiểm cấp trùng khớp với mẫu xe Nguyên đơn đã mua và mang đi giám định. Do đó, lời trình bày của Bị đơn không có cơ sở chấp nhận.
Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
- Yêu cầu Bị đơn chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 của Nguyên đơn và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “XE MÁY” được bảo hộ tại Văn bằng số 20652, Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu của Nguyên đơn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật SHTT nên có căn cứ để chấp nhận.
- Về yêu cầu bồi thường thiệt hại: tại phiên tòa hôm nay, Nguyên đơn đã rút bớt một phần về yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế cụ thể là yêu cầu Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo các mức bồi thường được điều chỉnh tại phiên tòa như sau: tiền thanh toán chi phí hợp lý mà Nguyên đơn đã thuê Luật sư là 200.000.000 đồng; tiền thiệt hại khác bao gồm tiền mua xe mẫu để mang đi giám định là 7.227.000 đồng, tiền lập Vi bằng Thừa phát lại là 3.960.000 đồng và tiền giám định về sở hữu trí tuệ là 6.397.500 đồng. Tổng cộng là 217.584.500 đồng, Hội đồng xét xử xét thấy đây là những thiệt hại thực tế của Nguyên đơn và Nguyên đơn có đủ hóa đơn, tài liệu chứng minh cho yêu cầu này, nên theo quy định tại khoản 4 Điều 202, Điều 204, Điều 205 Luật SHTT là có căn cứ để chấp nhận.
- Yêu cầu Bị đơn tiến hành thủ tục tại Cục đăng kiểm để hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cho xe máy mang kiểu dáng xâm phạm quyền đối với kiểu dáng được bảo hộ theo Văn bằng số 20652, thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 202 Luật SHTT nên Hội đồng xét xử xét thấy có đủ căn cứ để chấp nhận.
- Yêu cầu Bị đơn phải đăng công khai xin lỗi trên báo Thanh Niên trong ba số liên tiếp về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật SHTT.
- Yêu cầu Bị đơn loại bỏ, tiêu hủy các yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Văn bằng số 20652 trên các sản phẩm xe máy điện đã được sản xuất, bao gồm các sản phẩm xe máy điện đang tồn kho của Bị đơn và các xe hiện đang còn tại các đại lý bán hàng cho Bị đơn là phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 202 Luật SHTT nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
Về án phí và quyền kháng cáo: do các yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn được chấp nhận nên Nguyên đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật. Các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Bởi các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào:
- Điểm b, khoản 1 của Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 271, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Các điều 124, 125, 126, 202, 203, 204 và 205 Luật sở hữu trí tuệ;
- Điều 48 của Nghị quyết số 326/2016/UBNVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH.
Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty P & C.S.p.A đối với Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.
2. Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652 của Công ty P & C.S.p.A và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “XE MÁY” được bảo hộ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652.
3. Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D phải bồi thường cho Công ty P & C.S.p.A các khoản tiền như sau:
- Tiền thuê Luật sư là 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng;
- Tiền mua xe mẫu để mang đi giám định là 7.227.000 (bảy triệu hai trăm hai mươi bảy nghìn) đồng;
- Tiền lập vi bằng là 3.960.000 (ba triệu chín trăm sáu mươi nghìn) đồng;
- Tiền giám định về sở hữu trí tuệ là 6.397.500 (sáu triệu ba trăm chín mươi bảy nghìn lăm trăm) đồng.
Tổng cộng là 217.584.500 (hai trăm mười bảy triệu năm trăm tám mươi tư nghìn năm trăm) đồng.
4. Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D phải tiến hành thủ tục tại Cục đăng kiểm để hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cho xe máy mang kiểu dáng xâm phạm quyền đối với kiểu dáng được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652.
5. Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D phải đăng công khai xin lỗi trên báo Thanh Niên trong ba số liên tiếp về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
6. Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D loại bỏ, tiêu hủy các yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652 trên các sản phẩm xe điện đã được sản xuất, bao gồm các sản phẩm xe điện đang tồn kho của Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D và các xe hiện đang còn tại các đại lý bán hàng cho Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D.
7. Về án phí: Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D phải chịu 11.361.225 (mười một triệu ba trăm sáu mươi mốt nghìn hai trăm hai mươi lăm) đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Công ty P & C.S.p.A được trả lại 16.000.000 (mười sáu triệu) đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 00247 ngày 03/01/2018 của Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội.
8. Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
9. Về thời hạn kháng cáo: các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo Bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo quy định pháp luật.
Ý kiến bạn đọc
Th.08
15
Theo Bộ Công an, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm có thể bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng hoặc có thể bị xử lý hình sự với...
Th.08
14
Khi vi phạm về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, người cho vay có thể đối mặt với hình phạt tiền, cải tạo không giam giữa hoặc phạt tù.
Th.08
12
Thời gian gần đây, nổi lên vài vụ tranh chấp về việc vay nợ. Sự việc xảy ra tranh chấp khi bên nói có, bên nói không về sự tồn tại của việc cho vay...
Th.08
11
Theo Quyết định 11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà...
Th.08
10
Hành vi đánh bạc online (đánh bạc qua mạng) có thể bị phạt tù đến 7 năm, đồng thời có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền đến 50...
Th.08
09
Cục Sở Hữu Trí Tuệ (SHTT - Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu "DAI HAI PETROL GAS" cho Công ty Cổ phần Hải Dương Gas nhưng 2 năm sau, cơ quan này...